Một số thách thức lớn khi Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới

8 / 100

Tham gia hội nhập kinh tế thế giới mở ra những cơ hội tăng trưởng kinh tế cho nước ta. Việc trở thành thành viên WTO sẽ tạo ra các công cụ để nâng cao lợi ích kinh tế của các nước thành viên thông qua việc tham gia vào các cuộc đàm phán thương mại đa biên. Tuy nhiên không ít thách thức đối với tăng trưởng kinh tế khi VN hội nhập kinh tế thế giới. Những thách thức đó đe dọa sự phát triển cao và bền vững nền kinh tế.

Trong những năm qua VN có nỗ lực lớn trong tăng trưởng kinh tế, GDP thời kỳ 1991-2000 đã tăng bình quân hàng năm là 7,4%, thời kỳ 2001-2003 tăng 7,1%, năm 2002 – 7%, có tốc độ tăng trưởng cao đứng thứ 2 sau Trung Quốc. Nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng khá, từ 1986 đến nay, tăng trưởng trung bình 5,5%. So với một số nước Indonesia 2,3%, Philippines 2,6%, Thái Lan 1,9%, Malaysia 3,2%. Từ 2001-2003, nông nghiệp VN tăng bình quân 5%. Công nghiệp tăng bình quân trong 10 năm qua 12,8-13%, 2001-2003 tăng 14,6%. 

 Tham gia hội nhập kinh tế thế giới mở ra những cơ hội tăng trưởng kinh tế cho nước ta. Việc trở thành thành viên WTO sẽ tạo ra các công cụ để nâng cao lợi ích kinh tế của các nước thành viên thông qua việc tham gia vào các cuộc đàm phán thương mại đa biên. 

 Tuy nhiên không ít thách thức đối với tăng trưởng kinh tế khi VN hội nhập kinh tế thế giới. Những thách thức đó đe dọa sự phát triển cao và bền vững nền kinh tế. Sau đây là một số thách thức : 

Thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng giảm 

 Hội nhập kinh tế quốc tế mở ra nhiều cơ hội cho thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài đang diễn ra quyết liệt giữa nước ta với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là các nước khu vực Đông Nam Á có một số mặt lợi thế hơn ta. Thực vậy với số dân tương đồng với VN, tỉnh Quảng Đông thu hút đầu tư từ Nhật nhiều hơn gấp đôi, khoảng 20 tỷ yên. Năm 2001 VN thu hút số vốn đầu tư từ Nhật chỉ bằng 1/33 của Trung Quốc, 1/12 của Thái Lan, bằng 1/5 cuả Malaysia hoặc Indonesia. Trong những năm qua đầu tư trực tiếp nước ngoài vào VN giảm, giai đoạn 1991-1995 vốn đầu tư nước ngoài chiếm trên 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, giai đoạn 1996-2000 chiếm 24%, hai năm 2001-2002 chỉ chiếm hơn 18,5% và có hiện tượng công ty đầu tư nước ngoài chuyển sang Trung Quốc. Theo dự báo làn sóng đầu tư của Mỹ vào khu vực Đông Nam Á sẽ tăng mạnh trong những năm sau 2004 do ổn định chính trị và cam kết cải cách rõ ràng. Song dòng vốn đầu tư của Mỹ không chảy đều vào các quốc gia ĐNA mà đích nhắm tới là những nước như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines. Khi hàng rào quan thuế của các nước ASEAN bị bãi bỏ, các công ty đa quốc gia sẽ tập trung sản xuất tại những nước có phí tổn thấp nhất trong khu vực AFTA. Thách thức của VN là làm sao “giữ chân” các cơ sở hiện có của các công ty đa quốc gia và tạo cơ hội để các công ty đa quốc gia đầu tư vào nước ta. Theo đại sứ Nhật tại nước ta, trên thế giới đang có một cuộc cạnh tranh rất khốc liệt và Việt Nam cần phải nhìn nhận rằng môi trường đầu tư của ta chưa hấp dẫn.  

 Đã đến lúc chúng ta cần xây dựng môi trường đầu tư thực sự thông thoáng, phải tăng thu hút FDI về mặt chất lượng, ưu đãi đối với những lĩnh vực công nghệ kỹ thuật cao, những lĩnh vực sản xuất tư liệu sản xuất, các ngành hỗ trợ và liên quan để đảm bảo sản xuất hiệu quả, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong hội nhập kinh tế quốc tế.

VN trở thành thị trường tiêu thụ hàng nước ngoài 

 Nhiều công trình khoa học cho thấy việc mở cửa thương mại nhiều hơn đã dẫn đến tốc độ tăng trưởng dài hạn cao hơn, loại bỏ sự mất cân đối, nhờ đó mà nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, của sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Những nước mất cân đối thương mại cao có mức tăng năng suất thấp hơn so với những nước mất cân đối thương mại ít hơn.  

 Hội nhập kinh tế thế giới cho phép mở rộng thị trường, trong khi khả năng mở rộng thị trường hàng hóa của nước ta ra khu vực và thế giới còn hạn chế và phải đối đầu, cạnh tranh gay gắt với các nước có trình độ phát triển cao hơn ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là với các nước ASEAN và Trung Quốc. Hơn nữa, những sản phẩm hàng hóa của ta phần lớn đồng dạng với các quốc gia này. Phải nói rằng trong hội nhập, hàng hoá của VN rất khó mở rộng chiếm lĩnh được thị trường mà ngược lại chúng ta trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa của các nước. Năm 2002 cả nước nhập siêu trên 5 tỷ USD.  

 Công nghiệp chủ yếu là gia công, phần lớn sản phẩm các ngành được sản xuất ra trên cơ sở tiêu thụ các nguyên phụ liệu, linh kiện, chi tiết, bán sản phẩm của các nước. Do thiếu các ngành công nghiệp phụ trợ nên đa số các công ty làm hàng xuất khẩu đều phải nhập khẩu nguyên liệu. Vì vậy hàm lượng nội địa VN trong hàng xuất khẩu rất thấp. Có thể nói chính sách nội địa hóa của ta chưa thỏa đáng. Chính sách đó ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển các ngành liên quan và hỗ trợ, các ngành này phát triển rất ít và rất chậm trong thời gian qua và phải nhập phụ tùng linh kiện từ bên ngoài, do đó làm tăng giá thành sản phẩm, làm cho sản phẩm của VN đắt hơn Thái Lan và các nước trong khu vực, giảm khả năng cạnh tranh.  

 Điển hình là ngành dệt may da giầy của ta, ngành dệt may được đánh giá là xuất khẩu lớn nhưng nguyên phụ liệu gồm hóa chất, thuốc nhuộm, bông, xơ, sợi phải nhập do đó tuy kim ngạch xuất khẩu cao song giá trị gia tăng lại thấp, chỉ chiếm khoảng 25-30%. 

 Ngành công nghiệp điện tử VN cũng tương tự như vậy. Sản phẩm chủ yếu của ngành điện tử VN là nhóm sản phẩm nghe nhìn, chiếm tỷ lệ rất thấp 10% trong doanh số của ngành điện tử, trong nhóm này VN chỉ tự túc được màn hình TV, còn lại là nhập, là thị trường tiêu thụ. Sản phẩm điện tử của VN chủ yếu là sản phẩm lắp ráp, mà chi phí lắp ráp của VN lại cao, 6-7 USD/TV, 8-9 USD/TV.  

 Ngành ô tô xe máy nước ta cũng là thị trường tiêu thụ chi tiết, phụ tùng ô tô xe máy của các nước. Chính sách nội địa hóa của VN chưa được coi trọng. Chẳng hạn chính sách nội địa hóa của Thái Lan đòi hỏi 60% vào năm thứ 5 trong ngành ô tô xe máy, trong khi VN đòi hỏi có 5%. Trong ngành công nghiệp ô tô sau 10 năm nước ta có nhiều hãng ô tô nổi tiếng thế giới đầu tư, đến nay tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp ô tô nước ta mới đạt 2-10% đưa đến giá thành của ô tô sản xuất trong nước cao hơn khu vực khá lớn là do tỷ lệ nội địa hóa quá thấp. Bài học Thái Lan cho thấy họ rất coi trọng tỷ lệ nội địa hóa, chỉ có 15 nhà máy lắp ráp nhưng có đến 1.800 nhà máy cung ứng, riêng trong lĩnh vực ô tô từ chỗ từng bước nội địa hóa phụ tùng, nay Thái Lan đã xuất khẩu cả ô tô với linh kiện phụ tùng được sản xuất tại chỗ. 

Có thể nói chính sách nội địa hóa của ta chưa thỏa đáng. Chính sách đó ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển các ngành liên quan và hỗ trợ, các ngành này phát triển rất ít và rất chậm trong thời gian qua và phải nhập phụ tùng linh kiện từ bên ngoài, do đó làm tăng giá thành sản phẩm, làm cho sản phẩm của VN đắt hơn Thái Lan và các nước trong khu vực, giảm khả năng cạnh tranh.  

 Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế quốc tế trong hầu hết mọi lĩnh vực kinh tế của VN, chi phí sản xuất đều rất cao. Giá cả sản phẩm công nghiệp “đầu vào” nguyên liệu, vật tư, điện, nước, chất đốt, xăng dầu cho sản xuất còn cao, chi phí cơ sơ hạ tầng, dịch vụ của VN cao đưa đến giá thành nhiều sản phẩm VN cao hơn giá thị trường quốc tế, cao hơn các đối thủ cạnh tranh, dẫn tới không xuất khẩu được hoặc phải chịu lỗ. Đánh giá mới nhất của Diễn đàn kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh của VN đã tụt xuống đến 17 hạng. Năng lực cạnh tranh của VN từ vị trí 60/102 nền kinh tế năm 2003 tụt xuống hàng 77/104 năm 2004. Sự tụt hạng của VN diễn ra trong cả 3 lĩnh vực chính dùng làm tiêu chí xếp hạng là chất lượng môi trường kinh tế vĩ mô, tình trạng của các định chế quốc gia và sự sẵn sàng tiếp cận công nghệ cao. Một trong 2 tiêu chí dẫn đến tụt hạng là chỉ số xếp hạng công nghệ, sau chỉ số xếp hạng về tham nhũng và bộ máy hành chính kém hiệu quả.  

Để tồn tại trong cạnh tranh hàng hóa nhằm tránh đưa nước ta trở thành thị trường tiêu thụ hàng hoá nước ngoài, Nhà nước cần phải có những biện pháp tích cực, trước hết cần phải tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao công nghệ sản xuất, tiếp đến chống tham nhũng, chống độc quyền nâng giá các sản phẩm đầu vào (xăng dầu, điện, nước, bưu điện, hàng không, vận chuyển, sắt thép …) của các tổng công ty nhà nước độc quyền và các công ty xuyên quốc gia độc quyền, đưa ra luật chống độc quyền và chống bán phá giá nhằm đảm bảo giá hàng hóa của nước ta ngang với gía các nước trong khu vực. 

Bảo hộ của các nước nhập khẩu 

Lương thực, gạo VN là những sản phẩm xuất khẩu chủ lực còn phải đương đầu với sự bảo hộ của các nước nhập khẩu sản phẩm. Đứng trước sự hội nhập kinh tế thế giới, Nhà nước có can thiệp vào quá trình không. Lý thuyết về hội nhập cho rằng trong môi trường thương mại toàn cầu, sự phồn vinh của một quốc gia sẽ tối đa hóa nhờ tối thiểu hóa sự bảo hộ đối với thị trường trong nước. Hội nhập phá bỏ hàng rào thuế quan. Song chính phủ các nước bảo vệ lợi ích các công ty tập đoàn của mình bằng cách dùng hàng rào phi thuế quan như các rào cản kỹ thuật, rào cản trách nhiệm xã hội SA 8000 (bảo vệ môi trường, cấm sử dụng lao động trẻ em…) chống bán phá giá, ngăn cản hàng hóa bên ngoài. Có thể thấy răng áp dụng rào cản phi thuế quan và những tranh cãi xung quanh nó sẽ là vấn đề xảy ra thường xuyên trong thương mại toàn cầu. WB cũng khuyến cáo về việc gia tăng các hàng rào thương mại phi thuế quan tại các nước công nghiệp khi VN trở thành đối thủ quan trọng. Phó tổng giám đốc WTO có nói cần thấy rằng cho dù WTO đã có những quy định chặt chẽ song vẫn có một số nước vi phạm. Như vậy có thể đi đến kết luận chính phủ đưa ra những bàn tay hữu hình cũng như vô hình để bảo hộ.  

 Trong thời đại ngày nay sản phẩm ở những nước đang phát triển tiêu thụ có nhiều khó khăn còn là do các nước phát triển tạo ra một sân chơi không công bằng nhất là trong nông nghiệp. Ngành nông nghiệp của Mỹ, châu Au và Nhật Bản vẫn được bảo hộ chặt chẽ. Chương trình phát triển sản phẩm nông nghiệp và nông thôn luôn gặp phải sự cản trở lớn từ chính sách bảo hộ nông nghiệp, của chính phủ nước giàu . Các nước công nghiệp phát triển hiện dành 350 tỷ USD để trợ cấp cho nông dân nước mình, lớn gấp 7 lần số tiền dành cho viện trợ quốc tế. Tổng số tiền trợ cấp cho nông nghiệp chiếm gần ½ ngân sách hàng năm của EU. Ngoài ra các nước như Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc.. đều có trợ giá bán với giá thấp phân bón và thuốc trừ sâu. 

Ở VN Mỹ kiện VN bán phá giá cá Basa và con tôm vào thị trường Mỹ là sự bảo hộ của chính phủ đối với ngành nông nghiệp Mỹ.  

 Việc bảo hộ nông sản của các nước tác động quan trọng đến xóa đói giảm nghèo ở VN, vì nông nghiệp có trách nhiệm nặng nề tạo việc làm và nguồn sống cho phần lớn người nghèo chủ yếu là nông dân cả nước.  

 Cần có chính sách bảo hộ hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước khi hội nhập WTO, không thể để cho người sản xuất kinh doanh tự bơi trước sự bảo hộ của chính phủ các nước. Cần dành một phần ngân sách đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo chi phí đầu vào thấp và có lãi cho nguời sản xuất, hỗ trợ các cơ sở sản xuất doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay tín dụng, hỗ trợ tiếp cận thị trường (cung cấp thông tin về thị trường, giá cả, nhu cầu khách hàng cho người sản xuất), hỗ trợ giảm các chi phí hạ tầng như dịch vụ cảng, bưu điện, miễn giảm thuế và chống bán phá để bảo vệ hàng sản xuất trong nước 

VN trở thành bãi thải công nghệ  

 Xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa theo chiều hướng là các nước công nghiệp phát triển sẽ chiếm giữ quyền độc tôn sản xuất và làm chủ các sản phẩm công nghệ kỹ thuật cao, các nước đang phát triển sẽ chịu lép vế, sản xuất các mặt hàng chiếm nhiều lao động, giá trị thấp, tốn nhiều nguyên liệu hơn. Các nước công nghiệp phát triển sẽ tìm cách chuyển giao toàn bộ những công nghệ cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm sang các nước đang phát triển, những công nghệ này phù hợp với tiềm năng kinh tế và nhân lực của các nước đang phát triển. Mặt khác, do giá trị tiền công cao và ô nhiễm nên một số sản phẩm và công nghệ không cần giữ bí mật, tốn nhiều lao động và ô nhiễm môi trường.. được chuyển giao cho các nước có giá lao động rẻ hơn, đó là việc mà Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Đức… đang làm với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. 

 Thực tiễn trong khu vực thu hút đầu tư FDI của nhiều nước trên thế giới cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài chỉ chuyển sang nước nhận đầu tư các máy móc thiết bị và công nghệ thế hệ thứ hai và thứ ba. Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển, đang lo ngại bị biến thành bãi thải công nghệ cho các nước phát triển, đặc biệt là những thiết bị đã qua sử dụng.  

 Một nghiên cứu mới đây về chất lượng công nghệ chuyển giao vào VN cho thấy, trên 727 thiết bị và 3 dây chuyền sản xuất nhập khẩu trong 42 xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì có 76% thiết bị được sản xuất từ những năm 1950-1960, 50% là các máy móc đã qua sử dụng. Những con số đó cho thấy chất lượng thấp của công nghệ nhập khẩu. Mặt bằng chung về trình độ công nghệ và trang thiết bị của VN lạc hậu từ 2-3 thế hệ so với các nước công nghiệp phát triển, tỷ lệ trang thiết bị kỹ thuật cũ, công nghệ lạc hậu và trung bình chiếm 60-70%.  

 Lợi ích của khoa học công nghệ ngày càng nổi lên là một trong những yếu tố có tính chất quan trọng nhất ảnh hưởng đên khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tác động đến triển vọng tăng trưởng. Đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghiệp và nông nghiệp đem lại hiệu quả rất lớn. Ở VN đầu tư cho khoa học công nghệ đã tác động đến tăng trưởng kinh tế. Thực vậy nghiên cứu triển khai nông nghiệp đã đem lại lãi gấp chục lần từ phát triển nông nghiệp (chẳng hạn trong nông nghiệp từ 20-40% tăng trưởng nông nghiệp ở các nước châu Á.). Trong giai đoạn 1985-1989 dựa vào công nghệ có sẵn từ trước chưa được khai thác đã đóng góp lớn cho phát triển nông nghiệp, chiếm đến 55,5% phần tăng sản lượng nông nghiệp. Trong giai đoạn 1990-1999, công nghệ không thêm gì nhiều nên công nghệ chỉ góp thêm 5,4% phần tăng sản lượng nông nghiệp. Theo Viện chính sách lương thực quốc tế, trong giai đoạn 1985-1990 tác động của khoa học công nghệ đóng góp gần 63% mức tăng sản lượng lúa của VN. Giai đoạn 1991-1995 phần đóng góp của khoa học công nghệ trong mức tăng sản lượng lúa giảm xuống 29,2%, trong giai đoạn 1996-2000 chỉ còn 22,8%. Tuy nhiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học nông nghiệp ở nước ta ngày càng ít ỏi. Trong ngành công nghiệp, theo đánh giá của Quỹ phát triển tự động hóa quốc gia Bộ công nghiệp, đổi mới công nghệ đã đóng góp khoảng 30-40% tăng trưởng GDP toàn ngành. Tuy vậy việc đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp hiện còn rất chậm. 

 Mức đóng góp của khoa học công nghệ ngày càng giảm thể hiện rõ sự đầu tư yếu kém cho khoa học công nghệ nước ta. Đầu tư cho khoa học công nghệ và đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp VN rất thấp, chi phí đổi mới công nghệ chỉ khoảng 0,2-0,3% doanh thu, trong khi ở An Độ là 5%, Hàn Quốc là 10%. Ngân sách nhà nước dành cho KH-CN năm 2002 khoảng 3.000 tỷ đồng, chiếm 2% tổng ngân sách nhà nước, tỷ lệ khá nhỏ. 

 Cần phải tập trung cho khoa học công nghệ, coi khoa học công nghệ là một mũi đột phá trong phát triển kinh tế, đầu tư cho khoa học là hướng rút ngắn cho giai đoạn phát triển theo chiều sâu. Xã hội hóa hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, xóa bỏ bao cấp trong lĩnh vực khoa học công nghệ không có nghĩa là nhà nước không đầu tư vào khoa học công nghệ, nhà nước cần tăng đầu tư vào những lĩnh vực, những hướng ưu tiên, đừng để cho cơ chế thị trường chi phối 100% hoạt động khoa học công nghệ. Trước mắt cần tăng ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ, nâng tỷ lệ chi ngân sách cho khoa học công nghệ lên trên 5-10% tổng chi ngân sách, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ. 

Chảy máu chất xám  

VN thiếu trầm trọng nguồn lao động chuyên môn kỹ thuật, tỷ lệ người có chuyên môn kỹ thuật trong tổng dân số từ 15 tuổi trở lên đạt 8,1% năm 2000 là rất thấp (ở các nước trong khu vực là 49-50%), 9,5% số người trong độ tuổi lao động và 11,7% LLLĐ. Năm 2001 lao động không có chuyên môn kỹ thuật chiếm đến 26,7% lao động. Đây là một tồn tại và thách thức lớn đối với nước ta.  

 Song chúng ta có một tiềm năng lớn nguồn chất xám. Lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật từ đại học trở lên của VN đến cuối năm 2002 là 1.300.000 người, trong đó tiến sĩ chiếm 10%, tập trung nhiều nhất ở Hà Nội 19,2%, TP.HCM 14%. VN có khoảng 300.000 Việt kiều có trình độ đại học trở lên, trong đó có rất nhiều nhà khoa học hàng đầu trong nhiều lĩnh vực là người gốc Việt đang làm việc trong những tập đoàn kinh tế lớn của thế giới. Hiện có khoảng 10.000 học sinh VN học ở nước ngoài, hàng năm chi tiêu cho sinh hoạt và học tập mất khoảng 200 triệu USD. VN dã không khai thác được nguồn chất xám đó do cơ chế chính sách còn nhiều điều bất cập (lương, điều kiện làm việc, đòi hỏi khoa học đáp ứng ngay yêu cầu của thực tiễn, nhà khoa học bị cơ chế hành chính trói buộc, thủ tục thanh quyết toán…). Các công ty nước ngoài tại VN đã đa dạng hóa phương thức thu hút nhân tài: trao học bổng hỗ trợ sinh viên năm cuối, đào tạo nghề miễn phí, tuyển chọn các sinh viên giỏi gửi đi đào tạo thêm ở nước ngoài. 

 Cán bộ khoa học kỹ thuật chạy từ cơ quan nhà nước sang các cơ quan nước ngoài, các sinh viên tốt nghiệp giỏi là nguồn tuyển dụng của các công ty nước ngoài, trí thức Việt kiều không về nước làm việc, học sinh đi học nước ngoài học xong ở lại nước sở tại làm việc không về nước. Hiện tượng chảy máu chất xám là rõ ràng. 

Nhà nước cần điều chỉnh chính sách theo hướng tạo những điều kiện làm việc thuận lợi cho các nhà khoa học, tạo chỗ ở cho gia đình, học tập cho con cái và chăm sóc y tế, phương tiện đi lại làm việc nghĩa là cần có một chính sách xã hội tiến bộ ( như một số nước châu Au và Bắc Au) và có chế độ lương tương xứng, bên cạnh đó cần có những biện pháp chống tham nhũng, chống làm giàu từ đất đai và buôn lậu. 

Tỷ lệ đói nghèo cao, chênh lệch thu nhập tăng  

 Tỷ lệ hộ nghèo tại VN đã giảm từ trên 70% vào giữa thập niên 1980, còn 37% năm 2000 xuống còn 29% năm 2002. LHQ xếp các nước có GDP đầu người trước đây thấp hơn 500 USD/người/năm và hiện nay thấp hơn 750 USD/người /năm là nước nghèo (VN chưa đến 500 USD/người). So với chuẩn nghèo LHQ quy định, thì tỷ lệ đói nghèo của ta còn cao và việc xóa nghèo còn phải tiếp tục. 

 UNDP lưu ý về một số lĩnh vực mà VN phải phấn đấu hơn nữa, đó là tỷ lệ người suy dinh dưỡng 18%, trung bình của khu vực là 10%, tỷ lệ đói nghèo ở các vùng nông thôn vẫn còn cao, chiếm tới 90% người nghèo của cả nước .  

 Tốc độ giảm nghèo đang chững lại: Trong giai đoạn 1993-1998 VN đã giảm được 20% tỷ lệ nghèo từ 57% xuống còn 37%, giai đoạn 1998-2002 mức giảm chỉ đạt được 8,1%. Thu nhập và mức sống thời kỳ 1999-2002 tăng không bằng thời kỳ 1993-1998. Đáng lo ngại là nguy cơ tái nghèo còn ở mức cao, sự phân hóa giàu nghèo đang tăng rất nhanh.  

Chỉ số nghèo khổ tổng hợp HPI-1 là một thước đo đa chiều về tình trạng nghèo khổ của các nước đang phát triển. Chỉ số này tính đến sự tước đoạt về sự sống và kiến thức, xã hội bỏ rơi và thiếu các phương tiện kinh tế. Giá trị HPI-1 của VN là 19,9% xếp thứ 39 trong 94 nước đang phát triển. 

Khoảng cách giàu nghèo đang có xu hướng gia tăng. Thu nhập của nhóm giàu năm 2001-2002 lớn gấp 8,1 lần so với nhóm nghèo, năm 1999 là 7,6 lần .  

Để nhận biết sự bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo còn dùng hệ số GINI có giá trị từ 0 đến 1. Hệ số bằng 0 là không có sự bất bình đẳng, hệ số càng tiến đến 1 thì sự bất bình đẳng càng cao. Hệ số bất bình đẳng của VN năm 1994 là 0,35, năm 2001-2002 là 0,42. Bất bình đẳng về thu nhập ở VN có xu hướng tăng. Chỉ số GINI của VN là 36,2% cao hơn hẳn những nước giàu nhất hiện nay như Na Uy 25,8%, Thụy Điển 25%, Nhật 24,9%. 

 Thách thức hiện nay nằm trong quá trình phân phối lợi ích của sự tăng trưởng cho tất cả các vùng và tất cả các nhóm dân cư, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội và công bằng xã hội ở VN 

Nợ nước ngoài ngày càng tăng 

Việc các nước phát triển cho vay đã làm cho gánh nặng nợ nần của nước ta ngày càng tăng. Riêng các khoản nợ ngoại tệ mạnh đã vượt quá 35% GDP năm 1996 và tiếp tục tăng, trong năm 2001 số nợ đến hạn phải trả bằng 7% GDP và 11% giá trị xuất khẩu năm 2001. Theo dự báo của WB về công nợ cho thấy nước ta có mức tăng đáng kể tỷ lệ nợ trong GDP, từ khoảng 36% GDP năm 2002 lên đến 51% GDP năm 2007. Tài liệu “Định hướng chiến lược để tiến tới phát triển bền vững-tháng 4 năm 2002” tính bình quân mỗi đầu người VN hiện nợ 180 USD, bằng gần ½ số GDP/người/năm (484 USD). Các chuyên gia kinh tế quốc tế có nhiều lời khuyên VN không vì được vay với lãi suất thấp mà vay tràn lan không tính hiệu quả sẽ trở thành nước nợ nần khó có khả năng thanh toán. 

Kinh nghiệm phát triển trong 50 năm qua của các nước cho thấy rõ, những nước tiến hành sự nghiệp phát triển dựa trên việc tăng cường và sử dụng nguồn tiết kiệm trong nước là chủ yếu, đồng thời hạn chế đến mức tối thiểu mức độ lệ thuộc vào vay nợ nước ngoài đã đạt được những kết quả phát triển tốt đẹp và bền vững. Tỷ lệ tiết kiệm nội bộ nền kinh tế từ GDP năm 1998 Hàn Quốc đạt 43%, Malaysia đạt 45%, Thái Lan đạt 40,0%, năm 2001 Trung Quốc 39%, Hàn Quốc 34,2%, Singapore 49,9%, Malaysia 47%, Thái Lan 32,8%. Trái lại, một số lớn các nước đang phát triển trông cậy vào viện trợ tài chính vốn nước ngoài, đặc biệt là các khoản vay nợ vẫn nằm trong số những nước kém phát triển nhất với tình trạng mất cân đối về tài chính và cơ cấu, cũng như bị lệ thuộc khá nhiều vào nợ nước ngoài. Ở Việt Nam, chính sách tài chính tiền tệ chưa đủ mạnh, tiết kiệm nội bộ của nền kinh tế chưa cao, vẫn phải tăng cường vay nợ của IMF, WB…tỷ lệ tiết kiệm trong nước còn là một vấn đề nhức nhối. Trước đây, nền kinh tế nước ta không có tích lũy, nhờ có những biện pháp quan trọng trong quá trình đổi mới, tỷ lệ tiết kiệm trong nước đã tăng lên tới khoảng 17% GDP năm 1997, khoảng 27% GDP năm 2000, 24,6% GDP năm 2001  

Dự kiến tích lũy nội bộ nền kinh tế đạt trên 30% GDP năm 2010 là con số còn khiêm tốn. Để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững cần phải tăng cường tiết kiệm, tăng tỷ lệ tích lũy nội bộ từ GDP, phát huy năng lực nội sinh.  

Môi trường ngày càng bị ô nhiễm  

 Môi trường đang ngày càng xấu đi như thoái hóa môi trường đất, do lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu, phát triển giống lúa cao sản làm cho đất bạc mầu nhanh, xói mòn tài nguyên đất, làm giảm độ phì đất, môi trường nước bị ô nhiễm do công nghiệp và sử dụng phân bón hóa chất trong nông nghiệp gây ra, sự tàn phá rừng tự nhiên, xuống cấp chất lượng rừng, trong đó do sử dụng phát triển thủy sản, bão, lụt, lũ, hạn hán, cháy rừng xẩy ra nghiêm trọng. Sâu bệnh ngày càng phát triển theo chiều hướng khó kiểm soát. Sự phát triển lương thực thực phẩm còn thiếu bền vững. Để phát triển nông nghiệp bền vững không phải chỉ có bền vững về môi trường mà phải đảm bảo cả bền vững về kinh tế, bền vững về xã hội. Vì mưu sinh người ta phải khai thác tài nguyên một cách bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường 

 Ngoài ra một số doanh nghiệp VN lấy danh nghĩa nhập phế liệu để về tận dụng tái chế, thực chất nhập rác do phế liệu có lẫn tạp chất khó có thể loại bỏ trong quá trình xử lý từ các nước phát triển, chủ yếu từ Mỹ với giá rẻ. Điều đó biến môi trường sống VN thành bãi rác của các nước phát triển. 

Cơ cấu kinh tế không hợp lý 

Các công ty xuyên quốc gia phát triển mạnh định ra chiến lược phát triển kinh tế toàn cầu, hình thành hệ thống phân công lao động kiểu mới theo chiều hướng là các nước công nghiệp phát triển sẽ chiếm giữ quyền độc tôn sản xuất và làm chủ các sản phẩm công nghệ kỹ thuật cao, các nước đang phát triển sẽ chịu “lép vế”, sản xuất các mặt hàng sử dụng nhiều lao động, giá trị thấp, tốn nhiều nguyên liệu hơn, khai thác tài nguyên.  

 Trong những năm qua cơ cấu kinh tế nước ta đã chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp , tăng tỷ trọng công nghiệp, năm 2002 tỷ trọng nông lâm thủy chiếm 23%,công nghiệp và xây dựng chiếm 38,55%; dịch vụ chiếm 38,46%. Sự chuyển dịch này khá chậm chạp. Tỷ trọng dịch vụ trong GDP đã giảm trong 8 năm liên tục ngược với quy luật chung, các ngành dịch vụ có tính chất động lực như giáo dục, khoa học công nghệ, tài chính tín dụng tỷ trọng rất thấp. Chính sách nhà nước còn chú trọng nhiều về phát triển công nghiệp, song mới là công nghiệp gia công, thiếu sự phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và liên quan, các ngành sản xuất tư liệu sản xuất. Hơn một nửa nhóm hàng xuất khẩu, chủ yếu là xuất nguyên liệu thô, hàm lượng chất xám ít và những mặt hàng công nghiệp tỷ lệ nội địa hóa thấp như dầu thô, gạo, than, cao su, hạt điều, may mặc. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đó làm cho nền kinh tế nước ta tăng trưởng không hiệu quả, kém bền vững, chất lượng tăng trưởng thấp, khoảng cách giữa nước ta và các nước ngày càng doãng ra. Bài học quan trọng nhất không những của các nước công nghiệp mà cả của VN là phải xây dựng được một cơ cấu kinh tế hợp lý, một cơ cấu kinh tế phải tự sản xuất các tư liệu sản xuất cung cấp cho toàn bộ nền kinh tế.  

Cơ cấu kinh tế nước ta phải là một cơ cấu kinh tế của một nước gần 100 triệu dân, bao gồm cả những ngành kinh tế trí thức và những ngành kinh tế có hàm lượng lao động cao, ngành công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ, ngành sản xuất tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng.  

Khoảng cách phát triển doãng ra  

Trong những năm qua VN có nỗ lực lớn trong tăng trưởng kinh tế, GDP năm 2002 – 7%, có tốc độ tăng trưởng cao đứng thứ 2 sau Trung Quốc. Việc chạy theo tốc độ bằng mọi giá làm cho chất lượng tăng trưởng chưa cao biểu hiện hiệu quả kinh tế thấp, cạnh tranh yếu, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, tốc độ giảm nghèo chững lại, chênh lệch thu nhập tăng và tài nguyên cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm. Tình trạng chạy theo tốc độ tăng trưởng cao làm cho hiệu quả phát triển kinh tế suy giảm đang diễn ra ở Trung Quốc cũng như VN.  

 Các ngành, địa phương chỉ quan tâm đến số lượng, tốc độ tăng trưởng cao, mới có thể rút ngắn được khoảng cách giữa nước ta và các nước trong khu vực. Thực tế tốc độ tăng cao hơn các nước trong khu vực nhưng khoảng cách giữa VN và các nước ngày càng doãng ra. Nguy cơ tụt hậu ngày càng xa so với trình độ của nhiều nước trong khu vực.  

 Thực vậy Trung Quốc trong hơn 20 năm liên tiếp với quy mô một đất nước có dân số đông gấp 15 lần nước ta mà có tốc độ tăng trưởng bình quân năm ở thập kỷ 1980-1990 là 10,3% và thập niên 1990-2000 là 10%. 

Thái Lan sau những năm khó khăn do khủng hoảng tài chính năm 1997 nhờ quyết tâm cải cách năm 2003 đã đạt tốc độ 6,4%, dự kiến năm 2004 tăng 8%, năm 2005 tăng 10%. 

Qua đó hệ số so sánh có xu hướng tăng lên, cũng có nghĩa là mức tụt hậu của nền kinh tế VN so với Thái Lan càng ngày càng lớn, VN không những không rút ngắn được mà ngày càng doãng ra. 

 Cần phải phấn đấu tăng trưởng với tốc độ cao nhưng phải bền vững. Cần tái cấu trúc nền kinh tế, ngành công nghiệp, tập trung phát triển một số ngành nhóm sản phẩm chủ lực mang hàm lượng khoa học cao. Chấm dứt tình trạng đầu tư mù quáng vào một số ngành công nghiệp và dịch vụ và loại bỏ tệ nạn xây dựng trùng lắp kém chất lượng, thất thoát lớn và hiệu quả thấp của các địa phương. 

 Để thay lời kết luận, có thể đưa ra lời công bố của UNCTAD tại Hội nghị LHQ về buôn bán và phát triển tại Luân Đôn hôm 28.5.2004, UNCTAD đưa ra lời khẳng định tự do hóa thương mại không đem lại bất cứ lợi ích gì cho các nước đang phát triển trong quá trình xoá nghèo. Thậm chí một số nước nghèo mở cửa thị trường còn mạnh hơn các nước giàu , nhưng cái họ nhận được là cán cân thương mại lại xấu đi. Lợi nhuận từ xuất khẩu chủ yếu rơi vào tay các tập đoàn xuyên quốc gia hay các ông chủ địa phương mới nổi. Tự do hóa thương mại không nên coi như là mục tiêu phải đạt được bằng mọi cách để thúc ép mở cửa thị trường một cách vội vã, bởi hệ quả sẽ là sự phá hoại quá trình CNH của các nước nghèo do các ngành CN thay thế nhập khẩu bị sụp đổ trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa của các nước giàu . 

 Như vậy là cần có sự chuẩn bị đầy đủ thích hợp để tham gia WTO nhằm tránh được những tác hại như đã trình bầy trên tạo ra những cơ hội thuận lợi cho nền kinh tế VN tăng trưởng cao và bền vững.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *