Không cho phép mình bỏ hẹn

Không cho phép mình bỏ hẹn
TCKT cập nhật: 02/06/2006

post-276-1075515223Người tuyển dụng có hai tiêu chuẩn xét chọn nhân viên mới: tiêu chuẩn chuyên môn (professional qualifications) và tính cách riêng hay cá tính (personal characteristics, personality traits) của người xin việc. Tiêu chuẩn chuyên môn (học vấn, kinh nghiệm, kỹ năng) được kê khai trong bản lý lịch, nhưng cá tính thì phải được thẩm định trực tiếp bằng cách phỏng vấn (interview), và nó thường là yếu tố quyết định thành bại.

Được hẹn ngày phỏng vấn, Nicole Jenkins bồn chồn trông đợi, chỉ mong sớm được tuyển làm thư ký. Đêm trước ngày hẹn, cô trằn trọc đắn đo xem sẽ mặc bộ cánh nào cho thích hợp, cử chỉ và lời nói nên ra sao để gây thiện cảm và chinh phục lòng tin của luật sư Robertson. Trăm thứ âu lo, cô ôm gối, trân trân nhìn lên trần nhà mãi cho đến khi chợt thiếp đi vì mỏi mòn. Thế rồi chuông đồng hồ reo đánh thức, cô hoảng hốt cảm thấy mặt mình cứng đơ rất lạ. Cô thử nhếch môi và nhận biết ngay có sự bất thường. Trong phòng tắm, cô nhìn vào gương, bắt gặp một ai đó xấu xí, dị hình. Hai mắt cô lệch đi, mặt không thể xoay về bên phải. Lúc mẹ cô bước vào, bà cũng kinh hãi trước gương mặt biến dạng của con gái.

Tại một bệnh viện cách rất xa nhà, sau nhiều giờ làm các xét nghiệm, cuối cùng bác sĩ cho biết: “Cô bị tê liệt thần kinh mặt (Bell’s palsy *). Do cô quá âu lo, căng thẳng, cơ mặt bị căng cứng. Cô cần ngủ nghỉ đầy đủ để giảm stress, sau vài ngày tự nhiên sẽ trở lại bình thường.” Khi Nicole cho biết có hẹn phỏng vấn vào buổi chiều, bác sĩ khuyên: “Hãy hẹn lại ngày khác. Nên là tuần sau.”

Trong lúc mẹ đang cầm lái, Nicole băn khoăn suốt tuyến đường dài về nhà. Lùi hẹn nghĩa là bỏ mất cơ hội mà phải lâu lắm cô mới có được. Nhìn đồng hồ, cô nói với mẹ, giọng cả quyết: “Mẹ, thả con xuống đường Jason. Con tới gặp luật sư.”

Bà mẹ ái ngại: “Nhưng … mặt con đang biến dạng thế kia!”

Nicole biết mẹ nói đúng. Nhìn ngoại hình cô lúc này, không đợi cô chứng tỏ năng lực và phẩm chất, luật sư sẽ dễ dàng có ngay ý từ chối. Nhưng cô thà như thế còn hơn là tự đánh mất cơ hội vì bỏ hẹn. Cô nài nỉ: “Mẹ, cứ để con tới đó.”

Thế rồi Nicole bước vào văn phòng sang trọng của luật sư Robertson, tự giới thiệu. Người phụ nữ ngồi sau bàn tiếp tân không che giấu vẻ tò mò khi nhìn thẳng vào mặt cô. Nhưng bà ta mau chóng trở lại nhiệm vụ của mình: “Luật sư đang chờ. Mời cô vào trong ngay.”

Đang cặm cụi với một chồng hồ sơ dày cộm, người đàn ông tóc bạc ngẩng lên, bàn tay ra dấu mời cô gái ngồi xuống: “Chào cô. Cô là Nicole Jenkins?”

Bỗng dưng thấy trong lòng nhẹ nhõm, Nicole tự tin kéo ghế ngồi đối diện, cách nhau cái mặt bàn to lớn bằng gỗ dái ngựa: “Vâng. Xin lỗi luật sư, sáng nay tôi mới bị tê liệt thần kinh mặt. Bác sĩ nói vài ngày mới hết. Từ bệnh viện tôi đi đến thẳng văn phòng này.”

Trầm ngâm một lúc, luật sư Robertson từ tốn nói: “Cô rất có trách nhiệm khi giữ đúng hẹn, dù sức khỏe không cho phép.” Ông nhìn xuống đơn xin việc của Nicole rồi cầm lên, chìa ra trước mặt cô: “Tất cả những gì viết trong này đều đúng chứ?”

Nicole liếc nhìn rồi nói: “Thưa đúng, nhưng tôi trót bỏ sót một chi tiết nhỏ: mỗi phút tôi gõ bàn phím được 75 chữ.”

Luật sư mỉm cười: “Tuyệt vời! Hồ sơ cô rất tốt. Cô viết lách khá và cũng thạo vi tính.”

Nicole đáp, giọng thành thực: “Mấy kỹ năng đó cũng không quá khó.”

“Phải. Cô có năng lực, kinh nghiệm. Chà… cô từng làm cho hải quân nữa à?”

“Vâng, trực tiếp các vụ việc về pháp lý.”

“Chừng nào cô đi làm được?”

“Thưa, hai tuần nữa.”

Luật sư cúi nhìn quyển lịch bàn: “Vậy, 27 tới đây, 9 giờ sáng, cô quay lại nhé.”

Nicole sửng sốt: “Luật sư… luật sư nhận tôi?”

“Phải. Cô rất thích hợp với công việc tôi cần.”

Nicole mừng ra mặt. Cô đứng dậy: “Cám ơn luật sư đã tin cậy. Tôi chẳng phụ lòng luật sư đâu.”

Luật sư Robertson đứng dậy bắt tay Nicole, tươi cười: “Tôi biết. Không những cô có các kỹ năng tôi cần mà cô còn có tính cách riêng nữa.” ª

(*) Bell’s palsy: Do nhà phẫu thuật Tô Cách Lan là Sir Charles Bell (1774-1842) tìm ra.