Người bạn số 1 của kế toán Việt Nam

Người bạn số 1 của kế toán Việt Nam
TCKT cập nhật: 31/10/2006
Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, ngành công nghệ phần mềm của nước ta có quá nhiều khó khăn do chính doanh nghiệp tạo ra.

Thế nhưng, có một DN đã chủ động hội nhập bằng việc mở
rộng thị trường trong nước và xuất khẩu phần mềm, trở thành nhà cung
cấp phần mềm kế toán lớn nhất Việt Nam. Đó là Cty cổ phần MISA…

Ông Lữ Thành Long – TGĐ Cty Cổ phần Misa

“Viết phần mềm cho vui”

Xuất thân tại quê hương Vua Lê Đại Hành (xã Xuân Lập,
Thọ Xuân, Thanh Hoá) nhưng từ bé Lữ Thành Long đã theo cha mẹ khăn gói
ra Thủ đô lập nghiệp.

Học giỏi nhưng không chọn “trường chuyên, lớp chọn”
như bao học sinh khác mà chọn “lớp thường, trường thường”, với suy nghĩ
“sẽ thành công, nếu biết phấn đấu”.

Những sự lựa chọn không bình thường đó của Lữ Thành
Long đã bao lần khiến bố mẹ và người thân trong gia đình kêu ca. Long
không giải thích, bởi tính anh ít nói. Anh muốn hành động.

Việc “viết phần mềm cho vui” của anh hoá ra lại hữu
ích. Phần mềm kế toán đầu tiên mà Lữ Thành Long và người bạn Nguyễn
Xuân Hoàng đã giúp các anh kiếm được chút tiền.

Rồi cũng chính phần mềm này, đã nối kết họ gần gũi
hơn, khi quyết định thành lập công ty chuyên về phần mềm kế toán – Cty
cổ phần MISA (www.misa.com.vn);
trong đó Lữ Thành Long là Tổng Giám đốc. Khi mới thành lập, khó khăn
chồng chất khó khăn, trong đó, điều khiến sản phẩm của MISA khó bán
nhất chính là các DN và các cơ quan quản lý Nhà nước chưa ý thức nhiều
đến việc sử dụng phần mềm kế toán.

Bởi thế, mỗi năm, Cty chỉ bán được vài bản, thu vài
nghìn USD. Tiền bán được không đủ trả lương nhân viên và nhiều khoản
chi khác. Dù vậy, Long quyết tâm vay tiền bù đắp các khoản chi, chắt
chiu để MISA tồn tại.

Những năm 1995 – 1998, cùng với việc điều hành hoạt
động của Cty (trong đó, tập trung nâng cấp phần mềm ngày càng hoàn
thiện hơn), Long trực tiếp đến gặp gỡ nhiều DN, đơn vị quản lý Nhà nước
giải thích sự cần thiết của phần mềm kế toán trong việc quản lý chi
tiêu, nhằm minh bạch hoá hoạt động kinh doanh, thu chi để làm cơ sở
hạch toán kinh doanh hiệu quả hơn.

Nhiều đơn vị đã từ chối tiếp Long, vì chưa ai nghĩ đến
điều đó. Nhiều DN còn tuyên bố “cho cũng không lấy”, vì “chẳng giải
quyết vấn đề gì”. Nhiều Cty lưỡng lự…

Đã không ít lần, Long cho các đơn vị này dùng thử
phiên bản. Đúng như các cụ nói: “Mưa dầm thấm lâu”. Những tiện ích
không thể chối cãi của MISA đã đi vào đời sống nhiều DN như một phần
không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh.

Phần mềm kế toán số 1

Giải thích lý do phần mềm kế toán MISA có thể cạnh
tranh với phần mềm nước ngoài, TGĐ Cty MISA Lữ Thành Long nói: “Trước
hết là giá cả phù hợp. Giá có thể dao động từ vài trăm ngàn đồng đến
vài ngàn USD. Thứ hai, giao diện và tài liệu hướng dẫn sử dụng hoàn
toàn bằng tiếng Việt, tiện cho khách hàng trong nước.

Tuy nhiên, nếu phía khách hàng yêu cầu bằng các thứ
tiếng khác thì Cty vẫn cung cấp. Thứ ba, hệ thống kế toán xây dựng
trong phần mềm phù hợp chế độ kế toán hiện hành (VAS) của Bộ Tài chính.
Thứ tư, bảo hành, bảo trì nhanh chóng, kịp thời…”.

Về công nghệ, phần mềm kế toán MISA là sản phẩm đóng
gói (chứ không phải là may đo), nên dễ sử dụng và tiện lợi khi nâng
cấp. MISA cũng là đơn vị đầu tiên tại VN cung cấp phần mềm tác nghiệp,
cho phép người sử dụng tự học bằng phương tiện Multime…Hiện, MISA là DN
số 1 về phần mềm kế toán tại VN.

Ngoài việc hoàn thiện và chiếm lĩnh thị trường trong
nước ở lĩnh vực phần mềm kế toán, MISA đang triển khai kế hoạch xuất
khẩu phần mềm. Từ tháng 7/2006, MISA đã dốc lực xây dựng phần mềm hệ
thống quản trị khách hàng MISA-CRM.

Hệ thống này sẽ giúp các DN tiếp cận trực tiếp với
khách hàng, thông qua công cụ hỗ trợ để lắng nghe, phân tích ý kiến
khách hàng; từ đó sẽ có giải pháp điều chỉnh sản phẩm phù hợp người
tiêu dùng.

Tại VN, công cụ này chưa được chú trọng, vì sự tương tác giữa khách hàng và DN chưa nhiều.

Tuy nhiên, tại các nước phát triển, dịch vụ này đang
rất cần thiết; trong khi đó, ít DN phần mềm dám tiến công lĩnh vực này.
Cuối năm nay, sản phẩm MISA-CRM sẽ chính thức online, chào khách. “Đó
sẽ là bước đột phá của MISA” – TGĐ Lữ Thành Long hy vọng.

Theo Tiền Phong