Hạch toán kế toán là gì? Thước đo và các loại hạch toán

73 / 100

Sẽ là sự thiếu sót đối với những người làm kế toán nếu không hiểu được thuật ngữ “Hạch toán kế toán”. Vậy hạch toán kế toán là gì? Thước đo và các loại hạch toán? Tapchiketoan sẽ giải đáp ngay thắc mắc của bạn qua bài viết dưới đây.

1. Hạch toán kế toán là gì?

hạch toán kế toán

Hạch toán kế toán là môn khoa học để phản ánh và giám đốc tất cả hoạt động kinh tế tài chính của doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp hay các các cơ quan. Là cả quá trình quan sát, đo lường, tính toán, ghi chép nhằm nhằm kiểm tra, giám sát, quản lý toàn bộ hoạt động kinh tế tài chính theo một cách chặt chẽ của đơn vị đó để đảm bảo cho hoạt động đem lại lợi ích cho con người.

Là các phương thức thu thập thông tin để phục vụ cho việc quản lý tốt các hoạt động kinh tế:

  • Quan sát: ghi nhận sự tồn tại của đối tượng cần thu thập
  • Đo lượng: thực hiện việc đo lường mọi hao phí và kết quả của các hoạt động kinh tế. Kết quả đo lường có thể là tiền, hiện vật, lao động.
  • Tính toán: là các phép tính, phương pháp tổng hợp – phân tích từ đó xác định chỉ tiêu cần thiết để thấy được hiệu quả của hoạt động kinh tế.
  • Ghi chép: quá trình thu thập – xử lý – lưu lại tình hình, kết quả của những hoạt động kinh tế theo ở từng thời kỳ, địa điểm phát sinh.

Những yêu cầu quan trọng với hạch toán là đầy đủ, chính xác, kịp thời trong nội dung và thống nhất về các phương pháp, bảo đảm tiêu chuẩn hoá.

2. Những thước đo trong hạch toán kế toán

a) Thước do hiện vật

Sử dụng các phương thức cân, đong, đo, đếm để giám sát tình hình tài sản, tình hình thực hiện các chỉ tiêu về mặt số lượng như số lượng vật tư dự trữ, số lượng vật liệu tiêu hao, số lượng sản phẩm sản xuất được …

Đơn vị của thước đo tùy thuộc vào đặc tính tự nhiên của các đối tượng được tính toán. Ví dụ: để đo trọng lượng ta sử dụng các đơn vi: tấn, tạ, kg…,đo độ dài: m,dm,…

b) Thước đo lao động

Xác định lượng thời gian lao động hao phí trong quá trình kinh doanh hay trong công tác nào đó, người ta sử dụng thước đo lao động như ngày công, giờ công…

Giúp xác định năng suất lao động của công nhân, là cơ sở để xác định tiền công và phân phối thu nhập cho người lao động.

c) Thước đo giá trị

Sử dụng tiền làm đơn vị tính thống nhất để phản ánh các chỉ tiêu kinh tế, các loại vật tư, tài sản.

Cho phép tính được các chỉ tiêu tổng hợp về các loại vật tư, tài sản khác nhau, tổng hợp được các loại chi phí khác nhau trong một qua trình sản xuất như chỉ tiêu tổng giá trị tài sản, tổng chi phí sản xuất, tổng giá thành sản phẩm.

Giúp so sánh được các chỉ tiêu kinh tế tương ứng để xác định hiệu quả kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn. Qua đó có thể thực hiện giám đốc bằng tiền đối với tất cả các hoạt động kinh tế của đơn vị.

3. Các loại hạch toán

hạch toán kế toán

3.1. Hạch toán nghiệp vụ

  • Hạch toán nghiệp vụ là quan sát, theo dõi, phản ánh và kiểm tra trực tiếp từng nghiệp vụ kinh tế kỹ thuật cụ thể để có thể chỉ đạo thường xuyên và đáp ứng kịp thời các nghiệp vụ.
  • Đối tượng là những nghiệp vụ kinh tế, kỹ thuật sản xuất như tiến độ thực hiện các hoạt động cung cấp, sản xuất, tiêu thụ, tình hình biến động và sử dụng các yếu tố của quá trình tái sản xuất và những nghiệp vụ về kinh doanh.  
  • Đặc điểm của hạch toán nghiệp vụ là không chuyên dùng cho bất kỳ loại thước đo nào, mà chỉ căn cứ vào tính chất của từng nghiệp vụ, yêu cầu quản lý sử dụng một trong ba loại thước đo thích hợp.
  •  Hạch toán nghiệp vụ sử dụng các phương tiện thu nhập và truyền tin đơn giản như điện thoại, điện báo hay truyền miệng. Đối tượng là rất chung còn phương pháp rất đơn giản nên hạch toán nghiệp vụ chưa thành môn khoa học độc lập được. 

3.2. Hạch toán thống kê

  • Hạch toán thống kê là môn khoa học nghiên cứu về “lượng” trong mối liên hệ với “chất” của hiện tượng kinh tế xã hội số lớn ở điều kiện thời gian, địa điểm cụ thể để rút ra bản chất cũng như tính quy luật trong quá trình phát triển của các hiện tượng đó.
  • Đối tượng của hạch toán thống kê đa phần là: tình hình tăng năng suất lao động, giá trị tổng sản lượng, tình tình giá cả, thu nhập lao động, tình hình phát triển dân số,…
  • Thông tin mang tính hệ thống nhưng không có tính chất thường xuyên, liên tục.
  • Hạch toán thống kê điều sử dụng các phương pháp: tra thống kê, phân tổ thống kê, số tương đối, số tuyệt đối, số bình quân và chỉ số.
  • Có thể sử dụng tất cả các loại thước đo.

3.3. Hạch toán kế toán

  • Hạch toán kế toán là môn khoa học thu thập, xử lý và cung cấp thông tin và sự vận động của tài sản trong các đơn vị, tổ chức để kiểm tra tài sản các hoạt động kinh tế tài chính của đơn vị. Theo điều 4, Luật kế toán Việt Nam “Kế toán là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin về kinh tế, tài chính dưới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động”. 
  • Hạch toán kế toán phản ánh và theo dõi một cách liên tục, toàn diện và hệ thống về tình hình hiện tại và sự vận động của các loại tài sản, nguồn hình thành tài sản trong các tổ chức, các đơn vị.
  • Sử dụng cả ba loại thước đo nhưng thước đo tiền tệ là chủ yếu bắt buộc là tiền. Tức là mọi nghiệp vụ kinh tế đều được ghi chép theo giá trị và biểu hiện bằng tiền. Từ đó cung cấp các số liệu, dữ liệu tổng hợp phục vụ cho việc theo dõi kế hoạch kinh tế tài chính.
  • Sử dụng các phương pháp riêng: chứng từ, đối ứng tài khoản, tính giá, tổng hợp -cân đối. Riêng chứng từ kế toán bắt buộc cần có ở các nghiệp vụ kinh tế tài chính. Số liệu do kế toán phản ánh bảo đảm tính chính xác và có cơ sở pháp lý vững chắc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *