Hoàn thiện cơ sở dữ liệu để phân tích báo cáo tài chính trong chương trình đào tạo chứng chỉ hành nghề chứng khoán.

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu để phân tích báo cáo tài chính trong chương trình đào tạo chứng chỉ hành nghề chứng khoán.
TCKT cập nhật: 12/10/2008

Báo cáo tài chính là cơ sở dữ liệu quan trọng trong việc cung cấp thông tin không chỉ đối với nhà quản lý DN mà còn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chứng khoán. Để có thể phân tích nhằm đưa ra đánh giá đúng đắn về khả năng tài chính, hiệu quả kinh doanh và tiềm năng phát triển của DN, các nhà đầu tư cần phải dựa vào nguồn thông tin trung thực, đầy đủ và rõ ràng của DN thông qua hệ thống báo cáo tài chính. Nhận thức được tầm quan trọng của cơ sở dữ liệu để phân tích báo cáo tài chính đối với các nhà đầu tư chứng khoán, nội dung về phân tích báo cáo tài chính đã được đưa vào chương trình đào tạo chính thức cho các đối tượng học và thi Chứng chỉ hành nghề chứng khoán. Nghiên cứu Giáo trình “Phân tích và đầu tư chứng khoán”- NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2003- do Trung tâm Nghiên cứu và Bồi dưỡng nghiệp vụ chứng khoán chính thức ấn hành, chúng tôi thấy rằng hệ thống cơ sở dữ liệu sử dụng để phân tích báo cáo tài chính còn chưa phù hợp thông lệ quốc tế và chưa thực sự phù hợp với thực tế ở Việt Nam hiện nay. Qua nghiên cứu lý luận và thực tiễn, chúng tôi xin được trao đổi về cơ sở dữ liệu để phân tích báo cáo tài chính và đề xuất một số giải pháp hòan thiện cơ sở dữ liệu để phân tích báo cáo tài aoinhs trong chương trình đào tạo chứng chỉ hành nghề chứng khoán ở Việt Nam.

Cơ sở dữ liệu để phân tích báo cáo tài chính của các công ty cổ phần niêm yết nói riêng và các DN nói chung trước hết chính là hệ thống báo cáo tài chính của công ty. Hệ thống báo cáo tài chính là bảo đảm trung thực, đáng tin cậy, rõ ràng và đầy đủ, các chỉ tiêu phân tích mới có thể phản ánh đúng đắn thực trạng tài chính của công ty. Vì thế, trước khi tiến hành phân tích, các nhà phân tích bao giờ cũng chú trọng xem xét nội dung và mức độ trung thực của hệ thống báo cáo tài chính.

Cơ sở dữ liệu được sử dụng để phân tích BCTC trong chương trình đào tạo chính thức cho các đối tượng học và thi Chứng chỉ hành nghề chứng khoán còn khá nhiều bất cập. Qua nghiên cứu quy định hiện hành của Việt Nam và so sánh với thông lệ quốc tế, có thể nhận định rằng: hệ thống cơ sở dữ liệu mà giáo trình “Phân tích và đầu tư chứng khoán” sử dụng chính thức trong đào tạo Chứng chỉ hành nghề chứng khoán không được cập nhật cả về hình thức và nội dung, sai sót về dịch thuật và thiếu chính xác về thuật ngữ, hệ thống chỉ tiêu không đầy đủ và không tương thích với hệ thống BCTC hiện hành của các công ty cổ phần niêm yết chứng khoán. Do vậy, theo chúng tôi, hệ thống cơ sở dữ liệu này không còn phù hợp và cần thiết phải sửa đổi phục vụ việc đào tạo phân tích và đầu tư chứng khoán ở Việt Nam hiện nay theo các nội dung cụ thể sau:

Thứ nhất, chúng tôi đề xuất bổ sung cơ sở dữ liệu phân tích. Hiện nay, cơ sở dữ liệu sử dụng để phân tích chỉ bao gồm 3 báo cáo tài chính chủ yếu là Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, còn Thuyết minh báo cáo tài chính chỉ là báo cáo bổ trợ trong cung cấp thông tin. Tuy nhiên, theo Chế độ kiểm toán DN hiện hành, Thuyết minh BCTC là cơ sở dữ liệu không thể thiếu trong hệ thống báo cáo tài chính của DN. Có khá nhiều nội dung nếu không sử dụng thông tin trên Thuyết minh BCTC thì không thể phân tích được chính xác và đầy đủ; chẳng hạn: phân tích tình hình thanh toán, phân tích tình hình biến động vốn chủ sở hữu…Do vậy, chúng tôi đề xuất bổ sung Thuyết minh BCTC vào cơ sở dữ liệu phân tích Báo cáo tài chính.

Thứ hai, chúng tôi đề xuất bổ sung, sửa đổi các chỉ tiêu sử dụng trong cơ sở dữ liệu phục vụ phân tích. Khá nhiều chỉ tiêu phản ánh trong BCTC được sử dụng hiện nay không phù hợp và tương đương với các chỉ tiêu phản ánh trong hệ thống báo cáo tài chính hiện hành của các công ty cổ phần niêm yết. Có thể chỉ ra sau đây một số chỉ tiêu đang được sử dụng như sau:

“Tiền”: gồm tiền mặt (tại công ty) và mọi khoản tiền gửi ngân hàng dưới dạng các quỹ có khả năng chuyển đổi và những khoản đầu tư ngắn hạn bằng hình thức các khoản tiền gửi được bảo đảm lãi suất (không bao gồm các quỹ không có khả năng chuyển đổi bởi chúng không thực sự cung cấp nguồn tiền);

“Chứng khoán khả mại” là những chứng khoán có thể mua bán ngay được. Chúng được mua bằng tiền nhàn rỗi, là những công cụ ngắn hạn (đáo hạn dưới 1 năm), những chứng khoán có mức rủi ro thấp và tính thanh khoản rất cao để có vốn có thể rút lại ngay khi cần thiết  (tín phiếu, thương phiếu, chứng chỉ tiền gửi…). Thu nhập từ những loại chứng khoán này được tính thẳng vào thu nhập chịu thuế của công ty và chúng được định giá theo mức giá phí thấp hơn hoặc theo giá thị trường.

Theo cách hiểu này, trong “Tiền” đã bao gồm cả “Các khoản đầu tư ngắn hạn” (tiền gửi đảm bảo lãi suất), “Chứng khoán khả mại” chính là “Các khoản tương đương tiền” (tính thanh khoản cao) đồng thời cũng bao gồm luôn cả khoản “Đầu tư chứng khoán ngắn hạn” (đáo hạn dưới 1 năm). Hai chỉ tiêu này lại đan xen lẫnh nhau về chỉ tiêu “Đầu tư tài chính ngắn hạn”. Các nhà phân tích sẽ lấy dữ liệu như thế nào khi báo cáo tài chính hiện hành đã phân loại chi tiết cho tiền, các khỏan tương đương tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn? Do đó, chúng tôi đề nghị tách bạch rõ các chỉ tiêu trên là tiền, các khoản tương đương tiền, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn để thuận tiện cho người sử dụng khi tìm dữ liệu.

Khoản “Dự phòng phải thu khó đòi” là khỏan điều chỉnh cho các khoản phải thu: (i) không thể thu hồi hoặc (ii) bị khấu trừ hay đặt cọc. Tuy nhiên, bản chatá của phải thu khó đòi lại không phải là các khoản phải thu bị khấu trừ hay các khoản đặt cọc. Do vậy, chúng tôi đề xuất sửa lại cách giải thích này cho phù hợp với chế độ tài chính hiện hành là nợ phải thu khó đòi chỉ gồm khoản nợ phải thu mà khách hàng không hoặc khó có khả năng thanh toán.

“Thương phiếu phải trả”: phản ánh một số tiền nhất định được phép vay của tổ chức tài chính, bao gồm trách nhiệm chi trả lãi suất phát sinh từ: (i) khoản vay ngân hàng, (ii) hoãn thanh toán khi thực hiện giao dịch mua thương mại, (iii) chuyển đổi các khoản phải trả đã quá hạn. Với cách diễn đạt này, chỉ tiêu này tương đương với khoản tiền vay ngắn hạn và vay, nợ dài hạn của DN theo quy định hiện hành.

“Nợ tích lũy” được hiểu là “các nghĩa vụ phát sinh trong kỳ nhưng chưa được thực hiện”. Chúng ta nên hiểu cách giải thích này như thế nào? Cùng với ví dụ đề cập, người đọc mới rõ được đó là khoản chi phí đã được ghi nhận trong kỳ nhưng thực tế chưa được chi trả tại kỳ này. Do đó, chỉ tiêu này sẽ tương đương với chỉ tiêu “Chi phí phải trả” trong Chế độ kế toán hiện hành.

Thuế thu nhập trả sau”: chúng tôi đề xuất giáo trình cần phải sửa lại phần minh họa để phù hợp với bản chất vấn đề và phù hợp với quy định của chế độ kế toán.

Xem xét trong phạm vi Báo cáo thu nhập, một số khái niệm cũng cần sửa đổi lại cho phù hợp quy định hiện hành như: doanh thu bán hàng ròng, tổng lợi nhuận…

Như vậy, muốn vận dụng chương trình đào tạo vào phân tích thông tin, các nhà phân tích sẽ gặp khó khăn để chuyển đổi tương đương các chỉ tiêu nêu trên với chỉ tiêu trên báo cáo tài chính của DN, đặc biệt là khi cách giải thích còn bị sai lệch so với quy định hiện hành.

Thứ ba, chúng tôi đề xuất thay đổi cách diễn đạt khi dịch thuật để làm rõ nghĩa các thuật ngữ kế toán thuận tiện cho người đọc khi tiếp cận. Một số thuật ngữ như “Chi phí trả trước” được giải thích là “Những khoản chi trả trước này được biểu hiện dưới dạng tài sản lưu động nếu chúng hết hạn trong vòng một năm”!!! Về thực chất, đây là các khoản chi phí trả trước ngắn hạn. Tương tự, chỉ tiêu “Trừ khấu hao và khấu hao trừ dần” thực chất là “Hao mòn lũy kế” của tài sản cố định, còn chỉ tiêu “Tài sản cố định ròng” chính là “Giá trị còn lại” của tài sản cố định. Hoặc chỉ tiêu “Nợ phải trả ngắn hạn” được giải thích: “Đây chính là những nghĩa vụ nợ phải được thực hiện bằng việc thanh lý các tài sản lưu động và phải được thanh toán trong vòng một năm”. Việc sử dụng từ “Thanh lý” khi diễn đạt chỉ tiêu này sẽ làm sai lệch cách hiểu về “Nợ phải trả” và càng làm tối nghĩa của chỉ tiêu. Nợ phải trả ngắn hạn về thực chất là các khoản nợ được trang trải bằng tài sản ngắn hạn…

Thứ tư, chúng tôi đề xuất sửa đổi các lỗi in ấn của cơ sở dữ liệu mà giáo trình đã đề cập để đem lại hiệu quả hơn cho người đọc. Cơ sở dữ liệu mà giáo trình đề cập còn quá nhiều lỗi trong in ấn. Dễ dàng nhận thấy số liệu trên Báo cáo thu nhập mà giáo trình đưa ra bị sai lệch thứ tự dòng, dòng phản ánh “Chi phí hành chính, phát triển thị trường và các chi phí khác” đến hết báo cáo, số liệu bị đẩy lùi dong.

Với việc hoàn thiện tài liệu chính thức sử dụng trong chương trình đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán ở Việt Nam, chúng tôi tin tưởng rằng lĩnh vực chứng khoán còn non trẻ của Việt Nam sớm có một tài liệu đào tạo phù hợp, kho học và thực sự thiết thực cho hoạt động đào tạo cũng như hoạt động phân tích và đầu tư chứng khoán.

THS Lê Thị Tú Oanh- ĐH Lao động & Xã hội (Tạp chí Nghiên cứu KH Kiểm toán)
Tapchiketoan.com