Tìm hiểu về thuế trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp

Tìm hiểu về thuế trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp
TCKT cập nhật: 02/02/2010
Tái cơ cấu doanh nghiệp là một giải pháp nhằm tăng cao hiệu quả quản
lý, kinh doanh của một tập đoàn, nhóm công ty có cùng sở hữu của một
hoặc một số nhà đầu tư.

Tái cơ cấu
là việc sắp xếp lại cơ cấu các công ty con trong tập đoàn, bằng cách xây dựng
lại cấu trúc ngành nghề và vốn kinh doanh, thay đổi các chủ sở hữu, chia, tách,
sáp nhập, mua bán tài sản, vốn góp, cổ phần trong các công ty thành viên trong
cùng tập đoàn. 

Quá trình
tái cơ cấu doanh nghiệp càng cần thiết hơn khi nền kinh tế của một quốc gia hay
toàn cầu có những biến đổi mạnh mẽ. Một trong những yếu tố quan trọng nhất mà
các chủ sở hữu cần quan tâm khi thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp là những ảnh
hưởng của các loại thuế áp dụng cho các giao dịch phát sinh trong quá trình
này.

Chuyển
nhượng vốn

Chủ sở hữu
các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể là pháp nhân hoặc thể
nhân. Chủ sở hữu còn được gọi là thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn,
hay cổ đông trong công ty cổ phần, người có quyền chuyển nhượng vốn, cổ phần
của mình trong công ty cho bất kỳ bên thứ ba nào, phù hợp với điều lệ công ty,
pháp luật hiện hành tại thời điểm chuyển nhượng.

Thu nhập từ
chuyển nhượng vốn, cổ phần của chủ sở hữu công ty là pháp nhân sẽ chịu thuế thu
nhập doanh nghiệp với thuế suất 25%. Thu nhập chịu thuế được xác định bằng cách
lấy giá chuyển nhượng trừ đi giá mua của phần vốn, cổ phần chuyển nhượng và các
chi phí hợp lý phát sinh từ việc chuyển nhượng. Giá mua của phần vốn, cổ đông
chuyển nhượng là giá trị phần vốn tại thời điểm góp vốn hoặc thời điểm mua. Chi
phí chuyển nhượng là các khoản chi thực tế liên quan trực tiếp đến việc chuyển
nhượng, có chứng từ, hoá đơn hợp pháp.

Các chủ sở
hữu công ty là cá nhân sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập phát
sinh từ việc chuyển nhượng vốn, cổ phần trong công ty theo mức 20% trên số lãi
ròng. Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán của các cá nhân sẽ phải chịu thuế
theo mức 20% lợi nhuận thu được hoặc 0,1% trên giá trị chuyển nhượng từng lần,
trong khi thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán của các doanh nghiệp sẽ phải
nộp thuế theo mức 25% lợi nhuận thu được. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay về
các biện pháp hỗ trợ kinh tế của chính phủ, thu nhập của các cá nhân từ việc
chuyển nhượng vốn, cổ phần, chứng khoán sẽ được miễn nộp thuế thu nhập cá nhân
đến 31/12/2009.

Chủ sở hữu
chuyển nhượng vốn, cổ phần cho người khác theo nguyên giá ban đầu, không có thu
nhập phát sinh thì không phải nộp thuế thu nhập.

Nếu một
hoặc một số công ty đang được hưởng các ưu đãi về thuế nhập doanh nghiệp, thuế
nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt theo giấy đăng ký kinh
doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư thì các ưu đãi này sẽ không bị thay đổi do
việc chuyển nhượng vốn, cổ phần của các chủ sở hữu công ty. 

Vốn góp, cổ
phần không phải là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nên giao dịch chuyển nhượng vốn,
cổ phần trong công ty không chịu điều chỉnh của luật thuế giá trị gia tăng. 

Tăng,
giảm vốn điều lệ

Trong quá
trình tái cơ cấu, các chủ sở hữu thường có nhu cầu tăng, giảm vốn điều lệ của
các công ty nhằm đáp ứng các giao dịch chuyển nhượng vốn, bù trừ công nợ hoặc
thu hẹp phạm vi hoạt động kinh doanh không có hiệu quả. Công ty hoạt động dưới
hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần đều có quyền tăng, giảm
vốn điều lệ, ngoại trừ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được
phép giảm vốn điều lệ trong quá trình hoạt động. 

Không có
nghĩa vụ thuế nào phát sinh từ việc tăng, giảm vốn điều lệ công ty. Quá trình
tăng vốn dưới hình thức phát hành bổ sung cổ phiếu, công ty có thể bán cổ phiếu
cao hơn mệnh giá (ví dụ 10.000 đồng) cho các chủ sở hữu hiện hữu hoặc nhà đầu
tư mới thì phần chênh lệch giữa giá bán với mệnh giá sẽ không ghi là thu nhập
khác của công ty mà được ghi vào tài sản của chủ sở hữu, còn được gọi là vốn
thặng dư. Trong trường hợp này, phần vốn thặng dư phát sinh từ việc phát hành
cổ phiếu không được coi là thu nhập chịu thuế theo quy định của thuế thu nhập
doanh nghiệp.

Luật Doanh
nghiệp 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định rõ công ty cổ phần
có quyền giảm vốn điều lệ hay không. Tuy nhiên, công ty cổ phần có quyền ra
quyết định mua lại cổ phiếu do mình đã phát hành từ các cổ đông hiện hữu (còn
gọi là cổ phiếu quỹ). Việc mua lại cổ phiếu có thể dẫn đến giảm vốn điều lệ và
công ty có quyền đăng ký giảm vốn điều lệ, nếu thấy cần thiết. 

Trong
trường hợp, công ty không quyết định giảm vốn điều lệ và sau một thời gian,
công ty bán các cổ phiếu quỹ này cho các cổ đông hiện hữu hoặc các cổ đông khác
với mức giá cao hơn giá mua lại thì phần chênh lệnh giữa giá bán và giá mua lại
cổ phiếu được ghi nhận là vốn thặng dư của doanh nghiệp theo quy tắc về chuẩn
mực kế toán. Trong khi đó, pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp chưa có quy
định nào đề cập đến phần vốn thặng dư tăng thêm này. Hầu hết các chuyên gia về
thuế cho rằng, phần vốn thặng dư phát sinh từ việc mua bán lại cổ phiếu của
chính công ty mình sẽ không được ghi nhận là thu nhập tính thuế thu nhập doanh
nghiệp.

Hoán
đổi vốn góp, cổ phần

Các chủ sở
hữu có thể thực hiện việc hoán đổi vốn góp, cổ phần giữa các công ty thành viên
hoặc giữa công ty thành viên với tổng công ty khi có nhu cầu sắp xếp lại nhóm
ngành nghề kinh doanh hoặc muốn tập trung quản lý, kinh doanh ở tổng công ty,
trong quá trình tái cơ cấu. Bản chất của quy trình hoán đổi vốn góp, cổ phần là
chuỗi các giao dịch chuyển nhượng vốn giữa các chủ sở hữu với nhau hoặc giữa
các chủ sở hữu với các công ty, tổng công ty liên quan.

 

Pháp luật
về thuế của Việt nam chưa quy định rõ rằng việc thu nhập phát sinh từ việc hoán
đổi vốn góp, cổ phần sẽ phải chịu thuế thu nhập. Tuy nhiên, bản chất của quá
trình hoán đổi chứa đựng các giao dịch chuyển nhượng vốn góp, cổ phần từ các
chủ sở hữu, công ty. Do vậy, các chuyên gia về thuế cho rằng, thu nhập phát
sinh từ việc hoán đổi vốn góp, cổ phần sẽ phải nộp thuế theo quy định của pháp
luật về chuyển nhượng vốn.

Chia,
tách, sáp nhập, hợp nhất

Tái cơ cấu
doanh nghiệp dưới hình thức chia, tách, sáp nhập, hợp nhất các công ty con
trong cùng tập đoàn và chủ sở hữu các công ty con không có thu nhập phát sinh
từ việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất đó thì các chủ sở hữu không có nghĩa vụ
nộp thuế thu nhập.

Chênh lệch
do đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật để góp vốn, để điều chuyển
tài sản khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp
được ghi nhận là khoản thu nhập khác của doanh nghiệp và phải nộp thuế.

Doanh
nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư được hưởng một số ưu đãi như miễn giảm về
thuế thu nhập doanh nghiệp, tuy nhiên, các doanh nghiệp mới được thành lập trong
các trường hợp chia, tách, sáp nhập, hợp nhất sẽ không được hưởng ưu đãi này.
Trong khi đó, doanh nghiệp thành lập từ chia, tách, sáp nhập, hợp nhất chịu
trách nhiệm trả các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt về thuế thu nhập doanh nghiệp
của doanh nghiệp bị chia, tách, sáp nhập, hợp nhất và được kế thừa các ưu đãi
về thuế thu nhập doanh nghiệp cho thời gian còn lại nếu tiếp tục đáp ứng các
điều kiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

Góp
vốn bằng quyền sử dụng đất

Tái cơ cấu
doanh nghiệp có thể sẽ dẫn đến việc chuyển dịch quyền sử dụng đất của các cá
nhân, tổ chức nhằm mục đích góp vốn để phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Giao
dịch góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất không được xem là giao dịch chuyển
nhượng giá trị quyền sử dụng đất. Khi các bên thỏa thuận giá trị vốn góp cao
hơn giá trị ban đầu, phần chênh lệch thu được từ việc góp vốn có phải nộp thuế
thu nhập hay không?

Pháp luật
về thuế thu nhập cá nhân quy định rằng, tạm thời chưa thu thuế phát sinh từ
việc góp vốn bằng bất động sản, trong đó có giá trị quyền sử dụng đất để thành
lập doanh nghiệp hoặc tăng vốn sản xuất kinh doanh. Trong khi, theo pháp luật
về thuế thu nhập doanh nghiệp, phần chênh lệch thu được của doanh nghiệp do
đánh giá lại giá trị quyền sử dụng đất khi góp vốn kinh doanh phải được ghi
nhận là thu nhập khác khi hạch toán, do đó phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
theo mức 25%.

Có thể thấy
rằng, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp là một hướng tiếp cận chuyển đổi doanh
nghiệp mang tính thực tiễn rất cao. Nó có thể áp dụng cho các doanh nghiệp từ
yếu đến mạnh, có thể áp dụng từ tái cơ cấu từng phần đến tái cơ cấu toàn bộ.
Các chủ sở hữu doanh nghiệp cũng cần quan tâm những ảnh hưởng của thuế trong
qua trình tái cơ cấu để có thể những hoạch định kịp thời sự phát triển hoạt
động kinh doanh của tập đoàn.

Theo Kiemtoan.com.vn