Báo cáo tài chính: Cần nhất là sự minh bạch

Báo cáo tài chính: Cần nhất là sự minh bạch
TCKT cập nhật: 12/04/2009
20090409103854ong-dang-van-thanh.jpgViệt Nam hiện đã công bố 26 chuẩn mực kế toán trên cơ sở
vận dụng có chọn lọc chuẩn mực kế toán quốc tế, nhưng mức độ tuân thủ
cũng như cách hiểu lại có nhiều điểm khác nhau. Vì sao lại có tình
trạng này và đến khi nào chúng ta có thể hội nhập toàn bộ chuẩn mực kế
toán, kiểm toán với quốc tế? ĐTCK đã phỏng vấn PGS.TS Đặng Văn Thanh,
Phó chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), Chủ tịch Câu lạc
bộ Kế toán trưởng toàn quốc.

Ông đánh giá thế nào về việc có sự chênh lệch lợi nhuận lên đến hàng chục tỷ đồng giữa BCTC trước và sau kiểm toán của một số DN niêm yết vừa qua?

Theo tôi, khi lập và công bố BCTC, ngoài những công ty thực hiện nghiêm túc và phản ánh đúng thực trạng tài chính thì có hai khả năng (tình huống) xảy ra. Để giảm bớt số lãi thực tế, giảm bớt thuế thu nhập DN phải nộp hoặc quá thận trọng với các diễn biến của thị trường, không ít công ty đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, giảm giá các khoản đầu tư nói chung quá lớn, vượt quá mức cần thiết. Khả năng thứ hai, ngược lại có nhiều công ty trích lập dự phòng giảm giá quá ít so với mức độ giảm giá thực tế của các khoản đầu tư để che dấu tình trạng làm ăn yếu kém, tạo ra bức tranh giả tạo về thực trạng hoạt động của công ty.

Tôi cho rằng, hiện nay ở Việt Nam đã có tương đối đầy đủ quy định mang tính pháp lý và hướng dẫn về trích lập các khoản dự phòng. Tuy nhiên, không ít DN vẫn thực hiện không đúng, không đầy đủ vì nhiều nguyên nhân. Trước hết, đó là ý thức tuân thủ của các công ty, sau nữa là năng lực và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát. Có một thực tế, việc đánh giá, khai thác thông tin trên BCTC của các công ty, kể cả báo cáo nộp cho các cơ quan chức năng (Tài chính, Thuế, UBCK), đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng đã không được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ. Không ít trường hợp BCTC của DN chậm nộp, chậm công bố, công bố không đầy đủ, không chính xác theo quy định vẫn không bị phát hiện hoặc có phát hiện nhưng không có thái độ xử lý đúng mức. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, vẫn còn một số quy định chưa rõ ràng, chưa đúng và còn phức tạp trong nội dung, trong diễn đạt, khiến cho vẫn còn những cách hiểu khác nhau khi thực hiện.

 

Ông đánh giá thế nào về mức độ tuân thủ các chuẩn mực kế toán quốc tế mà Việt Nam đã ban hành?

Yêu cầu các DN áp dụng chuẩn mực kế toán đã được đặt ra từ lâu, từ khi bắt đầu công cuộc cải cách kế toán (1994). Nhưng do đặc điểm của cơ chế quản lý ở Việt Nam đã quá quen với thực hiện và tuân thủ các chế độ kế toán, mà chủ yếu lại là các văn bản hướng dẫn chế độ hoặc cụ thể hóa chính sách, chế độ vào từng lĩnh vực, từng ngành nghề cụ thể; trong khi đó, nhiều DN của Việt Nam thuộc sở hữu Nhà nước hoặc DNNN được cổ phần hóa; hơn 90% là DN nhỏ và vừa, nên việc áp dụng chuẩn mức kế toán còn lúng túng và chưa được sự quan tâm đúng mức.

Theo nhìn nhận của tôi thì các DN sẵn sàng nhập cuộc để công khai BCTC chủ yếu là các DN có hoạt động liên doanh, liên kết, DN niêm yết, ngân hàng, DN có vốn đầu tư nước ngoài. Các DN khác có nghiên cứu, áp dụng song song chuẩn mực và chế độ kế toán, nhưng mức độ hiểu biết và sẵn sàng tuân thủ chuẩn mực kế toán chưa cao lắm.

 

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, thách thức lớn nhất đối với việc lập và công bố BCTC là gì thưa ông?

Đó là tính minh bạch. Công khai, minh bạch là phương thức hữu hiệu để công chúng, mà trước hết là NĐT có sự nhìn nhận và đánh giá đúng thực trạng của DN, trong đó có thực trạng tài chính. Lâu nay, vấn đề công khai, minh bạch đã được quan tâm, có nhiều quy chế, nhưng chưa có sự ràng buộc thật chặt chẽ về mặt pháp lý, nên rất nhiều trường hợp mới chỉ là công khai và dừng lại ở yêu cầu công khai, trong khi cái cần hơn lại là sự minh bạch. Không ít DN công bố BCTC và các thông tin còn nặng về hình thức, công bố cho có, không đầy đủ, thiếu chi tiết cần thiết và có DN chưa muốn có sự đánh giá đúng mức về thực trạng tài chính của mình.

 

Ở nhiều nước, các chuẩn mực kế toán do hội nghề nghiệp ban hành, nhưng ở Việt Nam lại do Bộ Tài chính. Điều này có làm giảm tính sát thực của các chuẩn mực đối với từng ngành nghề?

Hiện Bộ Tài chính vẫn là cơ quan quản lý nhà nước về kế toán và thực hiện công bố các chuẩn mực kế toán. Giá trị pháp lý của các quyết định về chuẩn mực kế toán không cao hơn các văn bản pháp luật Nhà nước, nhưng nó mang tính chỉ dẫn và mực thước cho DN lựa chọn trên cơ sở các quy định pháp lý và các chế độ kế toán của Nhà nước. Do đó, cùng với các chuẩn mực kế toán, Việt Nam vẫn có các quy định về chế độ kế toán vừa mang tính bắt buộc vừa mang tính hướng dẫn dưới hình thức các quyết định, các thông tư do Bộ Tài chính ban hành.

Về lâu dài, để phù hợp với thông lệ quốc tế và cách thức quản lý của nhà nước pháp quyền trong nền kinh tế thị trường mở, cần có sự nhận thức đúng hơn về chuẩn mực kế toán và kiểm toán. Nhà nước ban hành luật pháp và các văn bản quy phạm pháp luật để điều hành và quản lý các hoạt động kinh tế – xã hội. Các chuẩn mực nghiệp vụ sẽ do các tổ chức nghề nghiệp soạn thảo và công bố. Việc quản lý nghề nghiệp và hành nghề của các chuyên gia kế toán, các kiểm toán viên sẽ do tổ chức nghề nghiệp kế toán đảm nhiệm, cả về tuân thủ quy định của nghề nghiệp và đạo đức hành nghề. Đó cũng là thông lệ trên thế giới và nhiều quốc gia thực hiện hàng chục năm nay.

Theo ĐTCK Online