Khó khăn trong đấu tranh với tội phạm kinh tế trên mạng

Khó khăn trong đấu tranh với tội phạm kinh tế trên mạng
TCKT cập nhật: 17/10/2008

Đấu tranh với tội phạm liên quan đến lĩnh
vực ngân hàng, chứng khoán, đầu tư tài chính và kinh doanh trên mạng
còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân là do Bộ luật Hình sự và
Bộ luật Tố tụng hình sự cũng như các văn bản hướng dẫn chưa quy định về
chứng cứ điện tử.

Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, đầu tư tài chính trên mạng Internet” nhằm huy động trí tuệ của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế và các cán bộ tư pháp để đóng góp những ý kiến quan trọng, góp phần ngăn chặn có hiệu quả tội phạm trong lĩnh vực này” – Đó là mục đích mà Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an nêu ra trong cuộc Hội thảo nói trên, tổ chức tại Hà Nội vào sáng 16/10. Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành và các đơn vị chức năng.

Theo báo cáo của Cục CSĐT tội phạm về TTQL kinh tế và chức vụ, thời gian qua, lực lượng CSĐT tội phạm kinh tế đã khám phá 42 vụ án trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, đầu tư tài chính và kinh doanh trên mạng, gây thiệt hại tài sản là 1.978 tỷ đồng và 11,3 triệu USD. Trong đó, khởi tố điều tra 35 vụ với 75 bị can, thu hồi tài sản trị giá khoảng 120 tỷ đồng.

Các lĩnh vực tập trung loại tội phạm này là: lĩnh vực thẻ tín dụng (ăn cắp thông tin cá nhân trong tài khoản để in thẻ giả, ăn cắp tiền của người nước ngoài và người Việt Nam; tấn công vào các trang web bán hàng trên mạng, lấy thông tin thẻ tín dụng của nước ngoài bán trên mạng lấy lời; ăn cắp thông tin tài khoản mua hàng); lừa đảo dưới dạng hoạt động đầu tư tài chính đa cấp qua mạng; kinh doanh ngoại tệ trên mạng; đột nhập vào mạng ngân hàng, ăn cắp mật khẩu tạo lệnh chuyển tiền giả nhằm ăn cắp tiền của ngân hàng, tham ô tiền ngân hàng; kinh doanh vàng và đầu tư vàng qua mạng; kinh doanh hàng hoá trên mạng Internet; xâm nhập ngân hàng dữ liệu của tổ chức, cá nhân; lĩnh vực chứng khoán.

Tuy nhiên, đấu tranh với tội phạm liên quan đến lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân là do công tác nắm tình hình, phát hiện nguồn tin còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế đòi hỏi. Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự cũng như các văn bản hướng dẫn chưa quy định về chứng cứ điện tử. Đồng thời, kiến thức về công nghệ thông tin, kiến thức về tài chính, ngân hàng chứng khoán, ngoại ngữ… của cán bộ trinh sát và điều tra viên còn hạn chế.

Để tháo gỡ những khó khăn nêu trên và tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn tội phạm, đại diện các Bộ, ngành tham gia hội thảo đã có những ý kiến, đóng góp có chất lượng phù hợp với tình hình thực tế.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Thế Tiệm hoan nghênh những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Thứ trưởng cho biết, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Công an là coi trọng giải pháp phòng ngừa, chủ động phát hiện và ngăn chặn từ đầu các hành vi vi phạm và xử lý nghiêm những hành vi cố tình vi phạm; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng cơ chế thực thi trong phối hợp giữa các bộ, ngành, lực lượng liên quan để phòng ngừa, đấu tranh đạt hiệu quả cao hơn.

Sau Hội thảo, Bộ Công an giao Cục CSĐT tội phạm về TTQL kinh tế và chức vụ tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, chỉnh lý và xây dựng báo cáo hoàn thiện về thực trạng vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực này và các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn để lãnh đạo Bộ báo cáo Chính phủ

.

(Theo CAND)