Ngân hàng không mặn mà với tín dụng cầm cố chứng khoán

Ngân hàng không mặn mà với tín dụng cầm cố chứng khoán
TCKT cập nhật: 16/12/2009
Mặc dù “room” tăng trưởng tín dụng theo tỷ lệ đăng ký với Ngân hàng Nhà nước chưa thực hiện hết, nhưng các ngân hàng hiện không còn mặn mà với tín dụng cầm cố CK.

Nguyên
nhân là do lãi suất cho vay phải áp dụng trần 10,5%/năm theo quy định
tại Công văn 8883/NHNN-CSTT (về lãi suất cho vay thỏa thuận vừa được
Ngân hàng Nhà nước – NHNN ban hành).

Theo
công văn trên, các tổ chức tín dụng không được thực hiện lãi suất thoả
thuận đối với các khoản cho vay để đầu tư bất động sản, đầu tư tài
chính (vàng, ngoại tệ, chứng khoán) và các hoạt động có liên quan đến
sản xuất, kinh doanh.

Chính vì vậy, hiện cho vay cầm cố chứng khoán không còn là ưu tiên số một trong danh mục triển khai tín dụng của các ngân hàng.

Tổng
giám đốc một ngân hàng tại TP.HCM cho rằng, chỉ khi nào lãi suất cơ bản
được điều chỉnh và thị trường chứng khoán thực sự ổn định trở lại, thì
mới có thể tái rộng cửa cho vay. Còn với quy định về việc áp dụng trần
lãi suất 10,5%/năm trong cho vay cầm cố chứng khoán hiện nay, theo vị
tổng giám đốc trên, là không đủ để bù đắp chi phí.

Đồng
thời, trước áp lực huy động ngày một gia tăng, các ngân hàng rất khó có
thể hút được tiền nhàn rỗi, nên buộc phải khép dần cửa cho vay. Đặc
biệt, khi tăng trưởng tín dụng toàn ngành đến cuối tháng 10/2009 đã đạt
33%, vượt quá mức kiểm soát của cả năm (30%). Trong đó, với tín dụng
cầm cố chứng khoán, bất động sản và tiêu dùng sẽ được hạn chế.

Ông
Lưu Trung Thái, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho
biết, tính đến nay, dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán của MB chưa cao.

“Mặc
dù ‘room’ được thực hiện là 20% trên vốn điều lệ của Ngân hàng vẫn còn,
nhưng với quy định mới về việc áp dụng lãi suất cho vay thỏa thuận, MB
sẽ có sự cân nhắc và chọn lọc kỹ hơn đối với khách hàng vay cầm cố”,
ông Thái nói.

Giai
đoạn đầu năm 2009, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)
được biết đến là một trong những ngân hàng đẩy mạnh vốn cho vay cầm cố
chứng khoán thông qua các công ty chứng khoán liên kết.

Thế
nhưng, trong hơn 1 tháng qua, Eximbank đã có thông báo đến các công ty
chứng khoán có liên kết tạm dừng việc triển khai cho vay cầm cố chứng
khoán.

Minh
chứng là, gần 1 tháng qua, nhà đầu tư của SJCS (một trong những công ty
chứng khoán được nhận vốn từ Eximbank để hỗ trợ nhà đầu tư vay kinh
doanh cổ phiếu) đã không còn nhận được vốn hỗ trợ từ Eximbank để kinh
doanh.

Nguyên
nhân, theo SJCS, là do Eximbank muốn hạn chế hoạt động cho vay cầm cố
chứng khoán trong đợt thanh tra về lãi suất thỏa thuận của NHNN vừa
qua. Đồng thời, trước sức nóng của tín dụng toàn ngành đến cuối tháng
10/2009 đã vượt ngưỡng kiểm soát 30%, buộc các ngân hàng phải gắt gao
với tín dụng cá nhân.

Tương
tự, gần 1 tháng trở lại đây, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam
(BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng
đã cắt khoản vốn dành cho một số công ty chứng khoán có liên kết để hỗ
trợ nhà đầu tư chứng khoán.

Đại
diện Công ty Chứng khoán Âu Việt (AVSC) cho biết, dịch vụ cho vay cầm
cố chứng khoán được tái kết hợp với Agribank, BIDV triển khai hỗ trợ
nhà đầu tư đã phải tạm ngưng kể từ cuối tháng 10/2009. Trong khi 9
tháng trước đó, nhà đầu tư mở tài khoản tại AVSC có thể mượn vốn của
BIDV và Agribank lên đến hàng tỷ đồng để kinh doanh thông qua hình thức
cầm cố cổ phiếu.

Ông
Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho
rằng, với tổng số dư nợ cầm cố chứng khoán tính đến cuối tháng 10/2009
của toàn hệ thống chỉ đạt gần 12.000 tỷ đồng so với 6.880 tỷ đồng cuối
năm 2008 là ở mức khá cao.

Theo
ông Nghĩa, có thể hiện với các ngân hàng “room” để cho vay cầm cố chứng
khoán vẫn còn, nhưng thực tế thời gian qua, vốn điều lệ của các ngân
hàng đã tăng trưởng khá nhanh và hiện ở mức cao.

Theo Vân Linh

Báo Đầu tư