Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ: Quản lý vốn và chính sách tiền tệ

12 / 100

Đi tìm nguyên nhân của lạm phát và bày tỏ lo ngại về bất ổn trong hoạt động đầu tư dàn trải của các tập đoàn kinh tế, đó là những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm đặc biệt khi chất vấn 3 thành viên “sức nặng” của Chính phủ hôm qua, gồm: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu.  

  Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc: Doanh nghiệp mà đầu tư ngân hàng thì chết rồi !

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc – Ảnh: L.Q.P

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) chất vấn Bộ trưởng Võ Hồng Phúc về trách nhiệm của Bộ KH-ĐT trước tình trạng các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty Nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực không thuộc lĩnh vực của mình như chứng khoán, bất động sản, ngân hàng. Ông Phúc thừa nhận: việc tổ chức một số các tập đoàn kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực chưa chuẩn, một số doanh nghiệp Nhà nước đầu tư sang một số lĩnh vực khác ngành nghề kinh doanh chính với tỷ lệ hơi cao. Tuy nhiên, ông Phúc nói: “Hội đồng quản trị của các doanh nghiệp (DN) căn cứ trên quy hoạch tự quyết định đầu tư cho DN mình, Thủ tướng cũng không can thiệp”.

“Tập đoàn được kinh doanh đa ngành, Nghị quyết ĐH Đảng cho phép như vậy. Nhưng là những ngành nào thì phải tính. DN đầu tư mà lại kinh doanh ngân hàng thì chết rồi”, Bộ trưởng Phúc nói. Ông giải thích: trong cơ chế thị trường, ngân hàng được coi là bộ lọc cho các hoạt động đầu tư hiệu quả. “Thế nhưng DN Nhà nước lập ngân hàng thì coi như họ tự lấy tiền của mình (tức là tiền của Nhà nước – cũng là tiền thuế của dân) để đầu tư, không ai kiểm soát cả. Đây là điều cần rút kinh nghiệm”, Bộ trưởng Phúc nói.

Câu trả lời của Bộ trưởng Phúc không thuyết phục được ĐB Thuyết. Ông Thuyết tiếp tục: “Trách nhiệm của Bộ KH-ĐT đến đâu? Nếu Bộ trưởng nói thế này thì không biết tiền Nhà nước sẽ đi đến đâu?”. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc vẫn bình tĩnh: “Trong Hội đồng quản trị có đại diện một số bộ, trong đó có Bộ Tài chính và Bộ Tài chính hiện đang được giao quản lý về vốn của Nhà nước, kể cả tín dụng cấp hằng năm. Đề nghị đồng chí có thể trao đổi thêm với Bộ Tài chính”. Bộ trưởng cũng nói thêm rằng, theo sự chỉ đạo của Thủ tướng, hiện Bộ KH-ĐT đang nghiên cứu dự thảo quy chế về hoạt động của các tập đoàn để có thể khắc phục được những bất ổn trong hoạt động kinh doanh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn của Nhà nước.

Trả lời câu hỏi của ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) sau đó, ông Phúc thừa nhận: “Trách nhiệm của Bộ chúng tôi là xây dựng cơ chế chậm, đến tháng 7 này mới trình được dự thảo Nghị định”.

Mặc dù cho rằng việc báo cáo với QH về tình hình lạm phát, nguyên nhân và giải pháp thuộc về NHNN, nhưng khi được nhiều ĐB hỏi về trách nhiệm của Bộ KH-ĐT với tư cách cơ quan tham mưu tổng hợp cho Chính phủ, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đã dành khá nhiều thời gian nói “vo” về vấn đề này, trong đó khẳng định Bộ KH-ĐT ngay từ tháng 8.2007 đã đưa ra cảnh báo sớm về lạm phát bằng văn bản. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phúc, “khi đưa vấn đề này ra thảo luận với Chính phủ, nhiều ý kiến cho rằng nói thế là quá mức, không đúng, nặng quá”. Ông Phúc cho biết thêm, sau đó Thủ tướng đã kết luận mức độ tăng giá là cao rồi, phải xem lại. “Sau đó thì chỉ số tháng 8, tháng 9 có giảm hơn, cộng lại 9 tháng của năm 2007 chỉ số giá là 7,32% tức là 2 tháng chỉ tăng 1,1%. Nhưng tiếp theo đó chúng ta lại buông lỏng, chúng ta không theo dõi tiếp từ tháng 10, tháng 11, tháng 12 và để chỉ số giá lên đến 5% trong 3 tháng còn lại và con số cuối cùng là 12,63%. Thủ tướng đã có chỉ đạo, nhưng phối hợp các ngành lại, xúm nhau làm thì chưa đạt yêu cầu, thậm chí số liệu báo cáo cũng không đầy đủ” – Bộ trưởng Phúc tỏ ý tiếc.

Tại kỳ họp Chính phủ cuối tháng 2.2008, căn cứ vào các dự báo dựa chủ yếu trên những nguồn bên ngoài, Bộ KH-ĐT lại  nhận định: chỉ số tổng phương tiện thanh toán đã tăng đến 46,7%, dư nợ cho vay của nền kinh tế tăng 57%. Ông Phúc nói: “Lúc tôi báo cáo con số này, Thủ tướng giật mình. Thủ tướng quay lại hỏi các vị phụ trách các lĩnh vực liên quan có đúng con số này không… Sau đó, các bộ ngành liên quan ngồi lại với nhau, con số cuối cùng chốt là tổng phương tiện thanh toán tăng ở mức 43,7%, dư nợ tín dụng tăng ở mức 53,88%. IMF khi làm với chúng ta về cân đối chung nền kinh tế thì tổng phương tiện thanh toán chỉ nên tăng dưới mức 20%, dư nợ tín dụng chỉ dưới 22%”.

Đề cập sự yếu kém về dự báo, Bộ trưởng Phúc thừa nhận: “Hiện nay tồn tại yếu nhất của chúng ta là dự báo, nhưng dự báo này phần lớn phải dựa vào dự báo quốc tếë. Cho nên ngay khi đưa ra những báo cáo chung trước QH, chúng tôi đều phải lấy dẫn liệu Trung Quốc dự báo tăng như thế nào, Mỹ dự báo như thế nào, châu Âu dự báo như thế nào, IMF dự báo kinh tế khu vực châu Á như thế nào, ADB dự báo khu vực Đông Á như thế nào? Chúng ta không có đủ năng lực tự lập dự báo, đó là điểm yếu thực sự mà sắp tới đây chúng ta cần phải có những viện nghiên cứu đủ mạnh trong lĩnh vực dự báo. Trên cơ sở đó căn cứ tình hình cụ thể đất nước, phân tích đưa ra cảnh báo, như Thủ tướng đã trình bày trong bản báo cáo của mình thì sự phối hợp giữa các cơ quan hơi yếu”.

Bộ trưởng KH-ĐT kết luận: “Hôm nay, tôi xin phép Thủ tướng trình bày hết vấn đề để QH, toàn dân đồng bào biết được tình hình. Từ đó, trách nhiệm của Bộ KH-ĐT cũng mức độ thôi”.

Tuyết Nhung

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh: Các tập đoàn Nhà nước đầu tư ra ngoài chưa đến mức nguy hiểm

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh – Ảnh: L.Q.P

Phần trả lời của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh tiếp tục “nóng” xung quanh hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Bộ trưởng Ninh cho biết, 96% trong số 76 tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước làm ăn có lãi trong năm 2007. “Trong năm, có một số tập đoàn và tổng công ty Nhà nước đầu tư ra ngoài DN, đặc biệt là đầu tư vào một số lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, chứng khoán và bất động sản, nhưng tổng giá trị đầu tư chỉ bằng 1,85% vốn chủ sở hữu và bằng 0,78% giá trị tổng tài sản.Với con số này thì tình hình chung chưa có vấn đề gì nguy hiểm”, Bộ trưởng Ninh quả quyết. Ông Ninh cho rằng, tổng số vốn các DN “con cưng” này đầu tư vào chứng khoán chỉ khoảng 1.061 tỉ đồng, chiếm 0,31% vốn chủ sở hữu và bằng 0,13% giá trị tài sản.

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) hỏi: “Trách nhiệm của Bộ Tài chính như thế nào để các tập đoàn đầu tư đúng hướng để phục vụ lợi ích của Nhà nước thay vì phục vụ lợi ích của chính DN?”. Bộ trưởng Ninh: “Cho đến nay, chúng tôi thấy bản thân các tập đoàn đầu tư ra bên ngoài trong một số trường hợp là do chỉ đạo của Chính phủ, ví dụ Tập đoàn dầu khí đầu tư thủy điện bên Lào là chỉ đạo của Chính phủ”, ông Ninh cố giải thích.

Ông Ninh tái khẳng định tỷ lệ vốn các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực mạo hiểm như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản “chưa đến mức nguy hiểm”. “Ngay đầu tư chứng khoán cũng có rủi ro và không rủi ro. Nếu đầu tư vào công ty chứng khoán thì rủi ro ít, nếu đầu tư vào quỹ đầu tư chứng khoán thì rủi ro cao”, ông Ninh nói. Tuy nhiên ông cũng thừa nhận: “Chính phủ nhận thức không khuyến khích tập đoàn, DN Nhà nước đầu tư ra ngoài lĩnh vực. Vừa rồi chúng tôi có sửa Nghị định 199, trong đó quy định DN được huy động vốn đến mức độ nào, ngoài ra phải xin phép chủ sở hữu”. Bộ trưởng Ninh cũng cho biết, Nghị định này sẽ quy định khống chế tỷ lệ các DN được đầu tư ra ngoài, trong đó khống chế tỷ lệ đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. “Có những lĩnh vực không được đầu tư, ví dụ đầu tư vào quỹ mạo hiểm, đầu tư vào quỹ đầu tư chứng khoán. Những DN nào đã có đầu tư rồi thì phải chuyển đổi và rút vốn về”, Bộ trưởng Ninh cho biết.

ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) hỏi: Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước bỏ ra bao nhiêu tiền để mua chứng khoán, lỗ, lãi ra sao? Bộ trưởng Ninh: “Theo quy định, việc kinh doanh chứng khoán là số liệu tuyệt mật, xin phép QH cho chúng tôi không công bố. Trong bối cảnh hiện nay thị trường như thế này mà công bố ra thì có thể tác động bất lợi đến thị trường, ảnh hưởng xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô và tình hình chung”.

ĐB Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) hỏi: Khắc phục thế nào với tình trạng tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đầu tư ra ngoài, đặc biệt lĩnh vực nhạy cảm? Bộ trưởng Ninh tự tin: “Những lĩnh vực nhạy cảm thì Nhà nước cần thiết phải có khống chế và khi đã đưa ra khống chế phải thực hiện trong phạm vi khống chế đó. Chúng tôi tin chắc làm được, trong tầm tay của Chính phủ có thể chỉ đạo được và thực hiện được việc khống chế đó”.

Tuyết Nhung

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu: Điều hành chính sách tiền tệ chưa theo kịp diễn biến của nền kinh tế

Ông Nguyễn Văn Giàu – Ảnh: N.Đ.Toán

 Trước khi đối thoại với ĐBQH, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu đã có 30 phút đọc văn bản giải trình trước QH. Ông Giàu tỏ ra rất thành thực khi bắt đầu: “Vì là lần đầu, chúng tôi có chuẩn bị Báo cáo giải trình, chúng tôi xin phép báo cáo Chủ tọa kỳ họp cho phép đọc toàn bộ Báo cáo giải trình đã gửi tới ĐBQH”.

Theo bản giải trình của Thống đốc: “Từ giữa năm 2007, NHNN đã điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt nhằm kiểm soát mức tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng… Tuy vậy, công tác thống kê, dự báo và công tác thanh tra, giám sát ngân hàng còn hạn chế, cho nên những điều chỉnh trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN chưa theo kịp diễn biến của nền kinh tế và kết quả đạt chưa cao”.

ĐB Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) chất vấn về việc thay đổi quy định về lãi suất cho vay tối đa: “Lúc thì thuyết minh với Ủy ban Thường vụ QH và các Ủy ban của QH bây giờ phải sửa 150% nhân với lãi suất cơ bản và nói rằng phải nhân lên 200% hoặc 300%. Sau đó các Ủy ban của QH, đặc biệt là Ủy ban Pháp luật không đồng ý thì bây giờ giữ 150% nhân với lãi suất cơ bản và thay đổi lại lãi suất cơ bản, như vậy theo cơ sở khoa học nào, lý thuyết nào? Lúc thì thuyết phục chúng tôi đi báo cáo cử tri tới đây QH sẽ sửa đổi Bộ luật Dân sự, bây giờ lại không thay đổi, cái đó căn cứ vào cơ sở nào?”.

Sau một hồi giải trình lòng vòng về các lý do, ông Giàu cũng nói như tâm sự: “Chúng tôi định tháng 6 này anh em ngồi bàn lại kỹ vì sao mình xin báo cáo Thường vụ 2 lần mà Chủ tịch QH có lần phê bình tôi rất nặng trong buổi bảo vệ. Tôi nói cái này mình cũng không nắm hết vì mới về tiếp nhận, anh em chuẩn bị thì cứ lên báo cáo”.

Xuân Toàn

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM): “Các tập đoàn kinh tế mà lại đi đầu tư ngân hàng, địa ốc chứng khoán thì chết thật. Nhưng vấn đề tôi quan tâm không phải là rủi ro bao nhiêu phần trăm, cái tôi quan tâm là nguy cơ lũng đoạn của các tập đoàn kinh tế đối với thị trường, đã có kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, nhất là Hàn Quốc trong cuộc khủng hoảng năm 1997. Nó khép kín vòng tín dụng, không ai giám sát được cả, nó tạo rủi ro cho nền tài chính, đó mới là cái cần ngăn cản chứ không phải tỷ lệ bao nhiêu. Thứ hai, điều này rất quan trọng, là tập đoàn Nhà nước dùng công cụ mà họ lập ra để can thiệp thị trường. Vừa qua các tập đoàn, ví dụ Điện lực đã đầu tư vào chứng khoán và bất động sản. Khi chứng khoán lên thì anh nhào vô, khi xuống thì ngồi yên, bất động sản cũng vậy. Là công ty Nhà nước mà anh không sử dụng công cụ để can thiệp thị trường mà lại làm rối thị trường, điều này cần phải được ngăn chặn”.ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh): “Tôi thấy Bộ trưởng Phúc có lý, kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra rồi: khi các tập đoàn lớn không phải dùng tiền của cá nhân mà dùng tiền của người khác (ở đây là Nhà nước) để đi đầu tư thì rõ ràng khó kiểm soát. Nhưng Bộ trưởng Ninh nói rằng chưa nguy hiểm? Con số đó tôi thấy cần phải kiểm toán lại. Tôi không tin là mới có khoảng 1.000 tỉ đồng được đổ vào lĩnh vực nhạy cảm như chứng khoán. Tôi cho rằng, khi đầu tư đa ngành nghề thì phải thí điểm mà nguyên tắc thí điểm là phải đảm bảo quy mô nhỏ. Nhưng hiện nay chúng ta thành lập đến mười mấy tập đoàn thì có còn là thí điểm nữa không? Quá đại trà rồi. Phải hết sức thận trọng. Sau trả lời của 2 bộ trưởng, đến giờ này tôi cũng chưa hiểu ai, Bộ nào chịu trách nhiệm quản lý việc đầu tư của các tập đoàn. Ai là người chịu trách nhiệm về vốn ấy, nếu chẳng may thất thoát không thu hồi được?”.An Nguyên (ghi)

 (TN Online)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *